Trên 70 mà hiếp dâm, giết người, sao lại ‘tha’ tử hình?

Thứ Ba, 16/06/2015, 16:51
Thanh niên vừa đủ 18 dù còn non nớt nếu phạm tội hiếp dâm, giết người là đã có thể lãnh án tử, trong khi cùng hành vi phạm tội đó, người trên 70 đầy kinh nghiệm, thủ đoạn mà luật lại tha tử hình là không công bằng.

Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi đề xuất bỏ hình phạt tử hình cho người phạm tội trên 70 tuổi với lý do thể hiện tính nhân đạo vì người trên 70 tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm… Tuy nhiên, nghị trường Quốc hội không tìm thấy ý kiến tán đồng với dự thảo, trái lại các đại biểu đều có ý kiến phản bác rõ ràng.

Đại biểu Quốc hội không đồng ý “tha” tử hình với người phạm tội trên 70.

Hôm trước thẩm tra dự luật, Ủy ban Tư pháp đã phân tích, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã được nâng cao, trình độ dân trí và đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, người ở độ tuổi 70 nhìn chung vẫn còn khả năng về sức khỏe và là những người có vốn hiểu biết, nhận thức và kinh nghiệm sống. “Thực tế cuộc sống cho thấy, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí có người còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm, như phạm các tội hiếp dâm, giết người, cầm đầu đường dây buôn lậu xuyên quốc gia, quốc tế hoặc buôn bán ma túy xuyên lục địa” - Ủy ban Tư pháp cảnh báo.

Nhắc lại việc người trên 70 tuổi bây giờ vẫn “khỏe phây phây”, thậm chí là thủ phạm những vụ hiếp dâm, giết người đặc biệt nguy hiểm, nếu tha tử hình những đối tượng này rõ ràng là sự bất công bằng. Đại biểu Triệu Là Phan (Hà Giang) phân tích, dù quy định theo hướng này là chính sách nhân đạo với người đến tuổi thượng thọ, nhưng “tôi thấy chưa hợp lý vì thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm”.

Nhiều đại biểu băn khoăn, nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.  

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng nhấn mạnh, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, tước bỏ quyền được sống của con người, chỉ áp dụng với người phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Áp dụng hình phạt tử hình phải đảm bảo tính công bằng, nếu người trên 70 tuổi mà phạm trọng tội, đáng phải tử hình thì vẫn phải tuyên phạt như người khác. Thực tế có nhiều bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khi tuổi đã cao.

Bổ sung điểm này, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cho rằng quy định như dự thảo là xa rời thực tế. “Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật dựa trên căn cứ, tiêu chí nào để đưa đối tượng trên 70 tuổi vào diện không bị áp dụng hình phạt tử hình” – bà Nguyệt đặt nghi vấn. Tiếp lời, đại biểu Huỳnh Văn Tính nhấn mạnh, thực tế người cao tuổi vẫn phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt là tội về ma túy, có người còn là đầu trò, cầm đầu băng nhóm hình sự, ma túy đặc biệt nguy hiểm. “Do đó, quy định như dự thảo là không đúng với thực tiễn và cũng không có căn cứ nào để lấy mốc tuổi trên 70 bởi nếu dựa trên chính sách với người cao tuổi thì vẫn chưa đúng vì luật quy từ 60 tuổi đã là người cao tuổi rồi” – ông Tính mổ xẻ.

M.Đ.
.
.
.