Trâu, bò chết rét, người dân gánh nợ

Thứ Hai, 18/02/2008, 09:49
Thời tiết biến động, rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, mưa phùn trâu, bò bị đói, mất nhiệt, kiệt sức và chết. Trâu, bò bị chết rét nhiều, thịt bán tươi không ai mua nên người dân thịt rồi chia nhau hoặc phơi sấy làm thức ăn dần.

Đến ngày 16/2, toàn tỉnh Bắc Kạn có 5.539 con trâu, bò bị chết do rét

Bắc Kạn là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất do rét đậm, rét hại gây ra. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết ngày 16/2, tổng số lượng đàn trâu, bò chết đã lên đến 5.539 con.

Trâu, bò chết rét hàng loạt do rét hại vừa qua không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển đàn trâu, bò của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2006-2010, mà còn trở thành gánh nợ rất lớn đối với hàng trăm gia đình nghèo đã vay vốn mua trâu, bò theo chủ trương của tỉnh Bắc Kạn. Nhiều gia đình vẫn phải ngậm ngùi nhìn trâu bò chết rét mà không biết phải làm gì để bù lỗ sau thiệt hại lớn này.

Người dân ngậm ngùi nhìn trâu, bò chết rét

Từ thị xã Bắc Kạn vượt hơn 60km đường dốc, chúng tôi đến huyện miền núi Ngân Sơn. Tính đến ngày 16/2, huyện Ngân Sơn là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất với 1.533 con trâu, bò bị chết rét. Mặc dù mấy hôm nay trời đã ấm hơn, nhiệt độ đã cao hơn nhưng vẫn ở mức dưới 10 độ C, cộng với mưa phùn nên cái rét vùng cao càng thêm thấu buốt.

Điều lạ lùng là những đàn trâu, bò được thả rông ven đường, trên đồi, trên núi vẫn là hình ảnh thường thấy dọc đường đi. Đến Đức Vân, một trong những xã có số lượng trâu, bò chết nhiều nhất tại huyện Ngân Sơn, chúng tôi gặp gia đình anh Hoàng Văn Phắn (thôn Nơ Phia, xã Đức Vân). Anh Phắn cho biết, trong thôn Nơ Phia, số gia đình có trâu, bò chết rất nhiều.

Gia đình anh Trần Văn Toản chết 4 con trâu, gia đình anh Hoàng Văn Choòng chết 2 con trâu… Gia đình anh Phắn nuôi 5 con trâu và 13 con bò. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, hai con trâu đã bị quật ngã.

Khi chúng tôi đến nhà, anh Phắn đang phải chặt cây trúc, cây chít lấy lá làm thức ăn cho trâu, bò bởi thức ăn trong nhà đã cạn kiệt. Thức ăn dự trữ như rơm, cỏ voi cũng không còn. Đã 5h chiều, cậu con trai đi tìm đàn bò vừa thả sáng nay tại các đồi vẫn chưa về.

Khi được hỏi sao trời lạnh mà anh vẫn thả trâu, bò lên đồi, anh Phắn buồn rầu: "Nhìn trâu, bò chết mà mình không biết làm thế nào. Nhốt lâu trong chuồng sợ chúng chết đói mất nên vẫn phải thả chúng ra cho chúng đi tìm thức ăn. Hôm nay trời ấm hơn rồi đấy. Mấy hôm trước, ngồi trong nhà mà cái đồng hồ chỉ báo có 2 độ C". 

Đợt rét kéo dài từ khoảng từ 25, 26 tháng Chạp đến nay tại Bắc Kạn cũng đã khiến 3 con trâu của gia đình ông Hoàng Văn Hoà (xóm Bản Chang, xã Đức Vân) chết rét. Để cố cứu lấy trâu, nhiều hôm trời lạnh quá, ông Hòa còn mang cả chăn đắp, đốt sưởi, pha nước muối ấm cho trâu uống, thậm chí còn nấu cháo nóng rồi đập trứng gà bồi bổ cho đàn trâu ốm yếu nhưng cũng không ăn thua.

Thức ăn tươi cho trâu như cỏ voi, cỏ tự nhiên mọc trên đồi cũng bị chết hết do trời quá lạnh. Rơm dự trữ cũng không còn. Mấy con trâu còn lại của gia đình ông Hoà cũng đang trong tình trạng ốm yếu…

Gánh nợ đè nặng đôi vai 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 16/2, toàn tỉnh Bắc Kạn có số trâu, bò bị chết do rét là 5.539 con. Các huyện vùng cao, vùng sâu là những huyện bị thiệt hại nặng nề nhất: Ngân Sơn (1.533 con), Ba Bể (864 con), Chợ Đồn (1.142 con), Na Rì (944 con)…

Khi có thông tin dự báo về đợt rét đậm, rét hại, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã khẩn trương gửi thông báo tới các xã trong tỉnh về việc phòng chống rét cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, giá rét kèm theo mưa lạnh liên tục những ngày qua khiến nhiều nơi vùng sâu, vùng cao Bắc Kạn xuống đến 1 độ C là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trâu, bò chết hàng loạt. Trâu, bò chết nhiều nhất thuộc về những gia đình thả rông trên núi.

Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trâu, bò chết rét là do ý thức, công tác chăm sóc trâu, bò của bà con chưa tốt để trâu, bò gầy yếu, ghẻ lở. Bà con còn duy trì những tập quán như thả rông trên đồi, không chủ động dự trữ thức ăn khô xanh về mùa đông, chuồng trại sơ sài không che chắn cẩn thận, vệ sinh chăm sóc không thường xuyên.

Thời tiết biến động, rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, mưa phùn trâu, bò bị đói, mất nhiệt, kiệt sức và chết. Trâu, bò bị chết rét nhiều, thịt bán tươi không ai mua nên người dân thịt rồi chia nhau hoặc phơi sấy làm thức ăn dần. Trâu, bò chết rét, những con còn sống sót thì trong tình trạng gầy gò, ốm yếu không phục vụ được sản xuất.

Nhiều người dân đang có nỗi lo lắng về thiếu sức kéo cho vụ mùa sắp tới. Như gia đình anh Hoà, nuôi 7 con trâu thì ba con trâu đã chết, bốn con trâu còn lại cũng gầy gò ốm yếu, không biết sẽ chết lúc nào. Ruộng nương vụ này chưa cày bừa, anh Hoà cũng như bao nhiêu hộ dân khác đang lo về sức kéo.

Đặc biệt tỉnh Bắc Kạn có chủ trương phát triển đàn trâu, bò trong tỉnh từ 2006- 2010. Nông dân thuộc diện nghèo được hỗ trợ lãi suất vay vốn để mua trâu, bò từ các tỉnh khác về. Thế nhưng, đợt rét này, trâu bò chết rét hàng loạt không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển đàn trâu bò của tỉnh Bắc Kạn mà còn trở thành "gánh nợ" rất lớn đối với hàng trăm gia đình nghèo đã vay vốn mua trâu bò theo chủ trương của tỉnh. Nhiều gia đình vẫn phải ngậm ngùi nhìn trâu bò chết rét mà không biết phải làm gì để bù lỗ sau thiệt hại lớn này.

Không chỉ thiệt hại nặng nề về chăn nuôi, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài còn khiến tiến độ gieo trồng các cây trồng khác cũng chậm hơn cùng kỳ so với năm 2007. Một số diện tích gieo mạ, ngô, thuốc lá đã bị thiệt hại như huyện Ba Bể có hơn 20ha lúa chiêm đã cấy không phát triển được, 10ha mạ đã gieo mất trắng. Tại huyện Ngân Sơn, 140ha thuốc lá đã trồng phát triển kém, 20ha ngô trồng nhưng không mọc được

Quảng Ninh: Trâu, bò chết rét, cúm gia cầm bùng phát

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 15/2, toàn huyện miền núi Tiên Yên - Quảng Ninh có 186 con trâu, bò, nghé bị chết do trời quá rét, chỉ tính riêng xã Phong Dụ đã bị chết 102 con.

Trong khi đó, hai ngày 12 và 13/2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại một hộ chăn nuôi trú ở khu 4, phường Hải Yên, thị xã Móng Cái làm chết 685 gia cầm trên tổng đàn 983 con.

Đến ngày 14/2, phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm tại một hộ chăn nuôi ở thôn Nhuệ, xã Kim Sơn, huyện Đông Triều với 170 con bị chết trên tổng đàn 670 gia cầm.

Cơ quan thú y Quảng Ninh cho biết, toàn bộ số gia cầm trên chưa được tiêm phòng mũi 2 năm 2007 theo quy định. Còn tại thị xã Móng Cái, việc nhập lậu gia cầm có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn xảy ra, rất khó kiểm soát L.M.T.

Nguyễn Hương
.
.
.