Tránh lãng phí tiền tỷ qua những… “thử nghiệm”!

Thứ Sáu, 12/03/2010, 09:33
Khi biện pháp dùng dải phân cách mềm phân luồng người và phương tiện bước đầu giảm được một số điểm ùn tắc giao thông của Hà Nội, người ta thấy um xùm tranh cãi quyền tác giả sáng kiến đó là của người này hay cơ quan nọ. Nhưng rồi, so sánh những điểm ùn tắc mới nảy sinh với những tồn tại trước đó trong giao thông đô thị, chính nhà quản lý đã công khai thừa nhận giải pháp tình thế ấy đem lại hiệu quả không nhiều.

Dự án tăng cường năng lực giao thông Hà Nội tiêu tốn nhiều triệu USD, rốt cuộc để lại nhiều nhất là những bài học. Quá nhiều sự lãng phí xuất phát từ mong muốn chủ quan của nhà quản lý, đã tốn tiền tỷ qua những thử nghiệm có phần nóng vội như cơ quan Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ ra! 

Nhìn nhận lại, nạn tắc đường Hà Nội chủ yếu diễn ra ở nút giao cắt giữa các trục đường hướng tâm và ba đường vành đai lớn. Bốn nút giao thông trước đây hằn sâu trong tiềm thức người đi đường là những "ngã tư khổ" như nút Vọng, ngã tư Sở, Kim Liên và Mai Dịch nay đã thông thoáng bằng cầu vượt, hầm đường bộ. Vài chục cây cầu vượt dành cho người đi bộ cũng đã phát huy tốt tác dụng. Đây là những minh chứng thuyết phục, định hướng cho tư duy của nhà quản lý đô thị đưa ra những giải pháp hữu hiệu, bắt nguồn từ đề xuất rất thiết thực của người dân. Nhưng còn đó những nút giao thông thường xuyên ách tắc mà dải phân cách mềm chưa giải quyết được. Đó là các ngã tư Deawoo, Thái Hà, La Thành, Giảng Võ, Đào Tấn, Trần Duy Hưng…

Nạn tắc đường đang là bài toán khó giải của Hà Nội, TP HCM.

Trên thực tế, các ngã tư vừa nêu hoạt động thông thoáng như hiện nay chính là nhờ sự can thiệp trực tiếp của lực lượng Cảnh sát giao thông, cán bộ dân phòng. Vì thế, lẽ tất yếu là cần xây dựng nút giao thông lập thể, có cầu vượt cho phương tiện chạy qua. Xin nêu ví dụ: Khi quy hoạch, vòng xuyến Cầu Giấy đã đủ lớn (nếu không muốn nói là một trong những vòng xuyến lớn nhất Hà Nội) nhưng thực tế nó vẫn tắc nghẽn vào các giờ cao điểm.

Trong thời điểm hiện tại, nếu việc thi công các nút giao thông lập thể chưa khả thi, thì cũng nên sớm xây cầu vượt bằng sắt dành cho người đi bộ và xe thô sơ, thậm chí xe máy chạy qua. Việc xây dựng các hạng mục này nằm trong định hướng quy hoạch, thiết kế hoàn chỉnh để sau này nâng cấp không bị lãng phí mà vẫn đáp ứng yêu cầu giao thông trước mắt.

Nguồn vốn đầu tư có thể xã hội hoá như đã từng thực hiện "đổi đất lấy hạ tầng" thời gian qua. Tất nhiên, giảm ùn tắc giao thông không thể tách rời việc di dời các cơ quan hành chính, bệnh viện, trường đại học… từ trung tâm ra phía ngoài theo kế hoạch đã vạch. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng, thẩm quyền của Hà Nội, nhất là khi Luật Thủ đô đang được xây dựng, sắp có hiệu lực. Nhưng kế hoạch này đang "giậm chân", kể cả khi nhiều doanh nghiệp, trường học đã nhận được đất nơi khác nhưng không chịu di dời có lẽ còn vì quyết tâm của thành phố chưa đủ mạnh theo hướng này.

Một số chuyên gia quy hoạch cảnh báo: Đừng bao giờ nghĩ rằng, quy hoạch xong Hà Nội mở rộng thì nạn tắc đường triệt tiêu. Giao thông thông suốt là kết quả của sự đồng bộ các yếu tố tổ chức đô thị và con người. Nếu như thế, thì từng bước thực hiện chiến lược giao thông Hà Nội không thể lạc điệu, như vấn đề chuẩn bị làm 10 tuyến đường trên cao gần đây. Sự tranh luận làm hay chưa, nên làm ở những vị trí nào để không ảnh hưởng tới cảnh quan Thủ đô văn hiến mà góp phần giải được bài toán giao thông cũng là cách tránh lãng phí hàng tỷ đồng của Nhà nước.

Cần tổ chức hợp lý nút giao thông Thanh Xuân để tránh ùn tắc

Nhằm chống ùn tắc cho khu vực Thanh Xuân, từ đầu tháng 2/2010, Ban quản lý Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) đã chính thức cho xe lưu thông tại nút giao thông Thanh Xuân (Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến) mặc dù cả tuyến vẫn đang trong quá trình thi công. Theo Ban quản lý Dự án Thăng Long, việc thông xe tại nút Thanh Xuân là giúp cho đường vành đai 3 từ Mai Dịch, quận Cầu Giấy đến Linh Đàm, quận Hoàng Mai được thông toàn tuyến. Các phương tiện đi theo hướng ra Pháp Vân được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, trái với mong đợi của Ban quản lý dự án, những ngày gần đây, tại nút giao thông này liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chủ đầu tư để đảo giao thông quá lớn, trong khi đó lại không có một hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông. Chính vì vậy, gặp những lúc không có lực lượng chức năng phân luồng thì các phương tiện vô tư đi vào.

Trước mắt, để giải quyết tình trạng ùn tắc tại nút giao thông Thanh Xuân vào giờ cao điểm, Đội CSGT số 7 phân công từ 4 - 6 cán bộ, chiến sĩ trực ở các góc đường và tổ chức giao thông bằng cách ra hiệu lệnh. Ngoài ra, đội cũng kiến nghị với chủ đầu tư là nên làm đảo giao thông bằng loại sắt phản quang thay bêtông như hiện nay. Mặt khác, nút giao thông Thanh Xuân có lưu lượng người và phương tiện lưu thông lớn, nếu để đảo tròn rộng quá và không lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu để điều tiết cùng với sự hướng dẫn của lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông thì việc ùn tắc giao thông là khó tránh.

Thanh Huyền

Khánh Chi
.
.
.