Trách nhiệm xã hội của DN phải đi liền với hiệu quả kinh tế

Chủ Nhật, 12/10/2008, 08:30
Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương Việt Nam, sáng 11/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức "Hội nghị doanh nhân tiêu biểu năm 2008". Đây được xem là một trong những diễn đàn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2008 với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị doanh nhân tiêu biểu toàn quốc 2008.

Hội nghị doanh nhân tiêu biểu toàn quốc và lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khi nền kinh tế nước ta và cộng đồng doanh nghiệp đang phải trải qua những thách thức, khó khăn do những biến động bất lợi, khó lường của nền kinh tế thế giới cũng như những yếu kém, những mặt còn bất cập trong nội lực của nền kinh tế và hệ thống quản lý tích tụ nhiều năm.

Lạm phát cao, nhập siêu lớn, kinh tế vĩ mô có nhiều biến động phức tạp. Nhưng với sự thống nhất cao trong sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo tập thể, tập trung quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự phấn đấu nỗ lực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, đã bước đầu thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đã vượt qua những thời điểm khó khăn trong quý II năm 2008.

Sang quý III, tỷ lệ lạm phát đã có xu hướng giảm dần, tình trạng nhập siêu được kiềm chế, lãi suất của hệ thống ngân hàng đã được điều chỉnh xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự điều hành của Chính phủ và triển vọng của nền kinh tế được củng cố.

Theo số liệu thống kê của VCCI, trong điều kiện khó khăn của năm 2008, doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển. Sáu tháng đầu năm, cả nước có trên 34.300 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập và đăng ký kinh doanh trong cả nước lên 286 nghìn doanh nghiệp. Việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo cho cả năm là từ 6,5 đến 7%.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong 9 tháng vừa qua khi đất nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam đã cơ bản thoát hiểm, các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện an sinh xã hội và phát triển bền vững đều đã được đảm bảo.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ghi nhận và hoan nghênh các sáng kiến, đề nghị của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Thủ tướng đã giới thiệu, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp một số nội dung cơ bản trong Báo cáo kinh tế xã hội 2008 và kế hoạch 2009 của Chính phủ. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, phấn đấu đến năm 2010 đưa tốc độ lạm phát xuống còn một con số, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải biết xây dựng kế hoạch, tính toán các phương án kinh doanh để tiết kiệm chi phí, nguyên liệu, nhân công, hạ giá thành sản phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội đi liền với hiệu quả kinh tế, xây dựng văn hoá kinh doanh. Bởi đó là cách tốt nhất để doanh nghiệp tăng cường gắn bó với người lao động, khách hàng và cộng đồng để vượt qua những khó khăn và phát triển bền vững

Hoàng Mai
.
.
.