Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam

Thứ Tư, 17/09/2014, 22:31
Ngày 17/9, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã rời TP Hồ Chí Minh kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 - 17/9, theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một vị nguyên thủ Ấn Độ sau khi Ấn Độ vừa kết thúc bầu cử Hạ viện và thành lập Chính phủ mới, thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Ấn Độ đối với mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã dành cho Tổng thống Ấn Độ sự đón tiếp trọng thị và thân tình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp riêng, hội đàm và chiêu đãi Tổng thống Ấn Độ; cùng Tổng thống Pranab Mukherjee tới dự lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm tại Phủ Chủ tịch. Đây là cây bồ đề có nguồn gốc từ Bồ Đề Đạo Tràng (đất Phật), thể hiện mối liên hệ về Phật giáo có nguồn gốc từ xa xưa giữa hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã có các cuộc gặp riêng với Tổng thống Ấn Độ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng thống Pranab Mukherjee đã được Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Lê Hoàng Quân đón tiếp và chiêu đãi trọng thể. Với tình cảm gắn bó gần gũi với Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ cũng đã dành thời gian đi thăm khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, xem múa rối nước, thăm Văn miếu Quốc tử giám, chùa Trấn Quốc tại Hà Nội; thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và địa đạo Củ Chi tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ sở lịch sử văn hóa khác.

Nhân chuyến thăm, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pranab Mukherjee, các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước đã ký 7 văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp định về tín dụng đô la Mỹ; Hiệp định về hợp tác Hải quan; các Thỏa thuận về hợp tác lập trang trại cá basa tại Ấn Độ, hợp tác thú y, hợp tác thanh niên, hợp tác thúc đẩy mở đường bay thẳng và hợp tác trong lĩnh vực dầu khí tại Biển Đông…

Tại buổi hội đàm và các cuộc tiếp xúc, trao đổi, lãnh đạo hai nước đã thống nhất các phương hướng lớn nhằm tiếp tục làm sâu đậm và thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới cả trong khuôn khổ song phương, cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Ấn Độ tái khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là một trụ cột trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Đồng thời, Việt Nam cũng khẳng định tiếp tục ủng hộ chính sách hướng Đông và kết nối về mọi mặt của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á và ủng hộ Ấn Độ có vai trò quan trọng hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế…

Hai bên nhất trí tăng cường và làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược với trọng tâm là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, dầu khí, văn hóa, kết nối nhân dân, hợp tác khu vực và đa phương. Hai bên thỏa thuận tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới; thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có việc tổ chức họp Uỷ ban liên Chính phủ hai nước vào năm 2015 tại Việt Nam. Hai bên nhất trí rằng hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước; bày tỏ hài lòng về hợp tác hiện nay trong lĩnh vực này cũng như việc ký kết Bản Ghi nhớ về Hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu đôla Mỹ mà Ấn Độ dành cho Việt Nam mở ra những cơ hội hợp tác mới.

Lãnh đạo hai bên đã nhất trí cần khai thác các tiềm năng và tăng cường hơn quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, trong đó phấn đấu nâng kim ngạch hai chiều lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020… cùng một số hợp tác quan trọng khác.

Về vấn đề biển Đông, hai bên khẳng định mong muốn và quyết tâm cùng hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, tăng trưởng và thịnh vượng ở châu Á; nhất trí tự do hàng hải ở biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thế giới công nhận bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); tuân thủ và thực hiện DOC, tiến tới thông qua COC trên cơ sở đồng thuận. Ấn Độ cũng cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí tại các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã thành công tốt đẹp, thể hiện tầm vóc to lớn và đánh dấu thêm một mốc son mới trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ. Với những kết quả thực chất đạt được trong chuyến thăm này, cũng như với quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ chắc chắn sẽ tiếp tục vươn lên những tầm cao mới trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới

PV (theo TTXVN)
.
.
.