Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Nội chính TW

Thứ Năm, 23/01/2014, 22:10
Sáng 23/1, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt Ban Nội chính Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của ban từ khi thành lập đến nay, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2014; việc thực hiện các nghị quyết Trung ương, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng thuộc lĩnh vực nội chính.

Báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tình hình, kết quả công tác năm 2013, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh nêu rõ: Mặc dù mới được thành lập, với sự chủ động, tích cực, Ban Nội chính Trung ương đã nhanh chóng ổn định về tổ chức, hoạt động, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Nổi bật là Ban Nội chính đã tham mưu, phục vụ có hiệu quả các hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, chú trọng thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; giúp Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Bộ Chính trị kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.

Tại buổi làm việc, đại diện các ban, bộ, ngành đã thảo luận, làm rõ hơn những hoạt động nổi bật của Ban Nội chính Trung ương, những nội dung, công việc cần tiếp tục làm tốt hơn; đóng góp ý kiến về định hướng công tác năm 2014 và những năm tiếp theo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc tái lập Ban Nội chính Trung ương là một chủ trương đúng đắn, kịp thời giúp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng; thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước tạo sự chuyển biến mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đã đạt được của Ban Nội chính Trung ương trong năm 2013. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, vị thế, vai trò của Ban Nội chính Trung ương được khẳng định; dư luận xã hội đánh giá tốt, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng.

Cơ bản đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong năm 2014, Tổng Bí thư nêu rõ Ban Nội chính có nhiệm vụ đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án. Ban Nội chính hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức Đảng trong lĩnh vực nội chính; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo giao; thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng...

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và những năm tiếp theo, Tổng Bí thư lưu ý Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cần chú ý cả phòng và chống, cả ở Trung ương và địa phương; tiếp tục xem xét, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp, trọng điểm; nghiên cứu, đề xuất, chủ trì và phối hợp xây dựng pháp luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư lưu ý, kế thừa kinh nghiệm của Ban Nội chính các thời kỳ trước, Ban Nội chính Trung ương cần làm tốt công tác xây dựng nội bộ về tổ chức và con người. Ban Nội chính Trung ương phải là cơ quan mẫu mực về các mặt, có quan điểm chính trị tư tưởng vững vàng, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức chặt chẽ, hoạt động nền nếp, đoàn kết thống nhất cao, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Cán bộ, đảng viên Ban Nội chính Trung ương phải gương mẫu đi đầu, giữ cho mình trong sạch, liêm chính, tâm huyết, trách nhiệm, say mê, đặc biệt là phải có bản lĩnh, có dũng khí, bảo vệ cái đúng, phê phán bác bỏ cái sai, kiên quyết đấu tranh với cái sai, không khoan nhượng; có trình độ, hiểu biết toàn diện, nhất là về cơ chế, chính sách

PV (theo TTXVN)
.
.
.