Toà án phải chịu trách nhiệm về oan sai khi đã đưa vụ án ra xét xử

Thứ Sáu, 13/03/2015, 23:24
Sáng 13/3, tiếp tục chương trình làm việc, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình.

Chủ đề đặc biệt được đề cập đến trong cuộc chất vấn này là những giải pháp để phòng chống oan, sai, xử phạt đúng người, đúng tội. 

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề oan sai, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi liệu sau vụ Nguyễn Thanh Chấn còn bao nhiêu vụ oan, sai chưa rà soát được và giải pháp khắc phục? Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, các cơ quan quan chức năng đã tiến hành rà soát, xác định 35 trường hợp có đơn kêu oan đang chịu mức án tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình (từ năm 2011 đến nay). Hiện đã giải quyết được 24 trường hợp, cơ bản là xét xử đúng, chỉ có 3 trường hợp là cần xem xét lại mức án đã tuyên. 11 vụ nữa sẽ làm nốt trong thời gian ngắn. Giải pháp chống oan, chống lọt, theo ông Bình, là thực hiện tốt việc tranh tụng. Phải làm sao để phát huy vai trò của luật sư, để luật sư có thể tham gia từ đầu.

Cũng tại phiên chất vấn, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ ra nguyên nhân oan sai trong quá trình điều tra ở một số vụ việc là do các điều tra viên trọng cung hơn trọng chứng. “Trong này có thiếu sót ngay trong công tác tố tụng là chỉ tập trung vào công tác thu thập các lời khai của đối tượng gây án, của người bị hại, của nhân chứng mà chưa đề cập nhiều đến vấn đề quan trọng về mặt chứng cứ”…

Liên quan đến bồi thường oan sai, đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị giải trình rõ về những trường hợp dây dưa kéo dài. 

Làm rõ nội dung này, ông Trương Hòa Bình cho biết đã có sự xung đột trong bồi thường oan sai. Chánh án Trương Hoà Bình cũng cho rằng, nếu có trường hợp đùn đẩy trách nhiệm bồi thường, thì cả ba cơ quan tố tụng đều có lỗi với dân, do không xác định rõ trách nhiệm mà lại làm thiệt hại đến quyền lợi của người dân.

Cho rằng đây là vấn đề pháp lý cần phải nghiên cứu, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh, có thể phải sửa Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước và xác định một cơ quan trung tâm để làm trọng tài, xác định cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp có tranh chấp này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Trả lời câu hỏi “có thể khẳng định tất cả những vụ án xét xử rồi mà oan sai, dù sai ở đâu mà đã qua xét xử rồi thì trách nhiệm oan sai thuộc về tòa án được không?” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình đã thừa nhận lập luận trên là đúng. “Khi tòa đã đưa ra xét xử thì từ cấp sơ thẩm trở đi, nếu để lại hậu quả gì thì tòa phải chịu trách nhiệm” - ông Bình khẳng định.

Chiều cùng ngày, Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử. Tại phiên chất vấn này, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an đã có giải trình thêm về vấn đề phòng chống tội phạm ma tuý.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết: Ma túy và tội phạm ma túy là vấn đề rất phức tạp, không phải riêng với Việt Nam mà của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay. Chính vì vậy mà Liên hợp quốc đã có một Ủy ban về phòng chống ma túy (viết tắt là UNODC). Đối với Việt Nam, có thể nói gần đây tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy rất phức tạp, bởi lẽ có rất nhiều vụ đã bị lực lượng chức năng bắt giữ với số lượng ma túy rất lớn, như vụ 265 bánh, 200 bánh và có những vụ chúng ta đã điều tra cả nghìn bánh đã được mang đi tiêu thụ. Đặc biệt, đối tượng trong các vụ án này đều có vũ khí. Vừa qua, Công an Sơn La đã giải quyết một số vụ và thu được mấy trăm bánh heroin, 13 khẩu súng, lựu đạn và các loại vũ khí khác…

Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng đã có 2 đồng chí hi sinh, một đồng chí bị thương… Nguyên nhân của tình hình phức tạp này là do chúng ta ở giáp khu vực Tam giác vàng - trung tâm sản xuất ma túy lớn thứ 2 trên thế giới và thứ nhất Đông Nam Á. Bên cạnh chúng ta là Trung Quốc, cũng là trung tâm có rất nhiều ma túy, nhất là ma túy tổng hợp. Vì thế, áp lực các loại ma túy cung cấp chuyển qua Việt Nam, từ Việt Nam chuyển sang các nước khác rất phức tạp.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng cho biết: Qua theo dõi tổng số phạm nhân phạm pháp thi hành án hình sự trong trại giam thì phạm tội ma túy chiếm tới 34% - con số rất lớn, trong đó người dân tộc Kinh phạm tội chiếm tới 80%, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số khác. Riêng đồng bào Mông chiếm 5,32% trong tổng số phạm nhân. Nguyên nhân quan trọng là đời sống của đồng bào dân tộc biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, dễ bị các đối tượng lợi dụng, lôi kéo tham gia các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy.

Trong khi đó, công tác tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới, cửa khẩu của lực lượng chức năng rất khó khăn do đường biên giới dài, địa hình đồi núi hiểm trở, hẻo lánh, có nhiều đường mòn… như Hang Kia, Pà Cò (Hoà Bình), Lóng Luông, Lóng Sập (Sơn La) hoặc các địa danh khác như Na Ư (Điện Biên), Quế Lâm (Nghệ An). Ma tuý là mặt hàng mang lại siêu lợi nhuận. Một bánh mang trót lọt từ Lào về Sơn La là lãi khoảng 50 triệu đồng, lọt đi nữa thì lên gấp đôi, gấp ba, nên người ta không từ thủ đoạn nào để buôn bán ma túy.

Cùng với đó, số người nghiện còn rất lớn, 204.337 người, trong đó 79,33% người nghiện là dân tộc Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc khác. Hiện có 70% số xã, phường đang có người nghiện cần phải được tập trung để giải quyết. Người nghiện tập trung đông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ngoài ra tập trung nhiều ở các tỉnh biên giới như Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La. Riêng Sơn La, nếu tính 100.000 người thì có 643 người nghiện.

Thứ trưởng Lê Quý Vương nhận định: Còn rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Công tác tuyên truyền vận động chưa hiệu quả, nhất là vấn đề giải quyết nghiện hút, nhiều thông tin chưa đạt  yêu cầu, chưa đến được với đồng bào dân tộc. Đề nghị phải ưu tiên phát bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng cũng khẳng định quyết tâm của lực lượng Công an nói riêng và các lực lượng chức năng nói chung đang tích cực giải quyết vấn đề này và bước đầu có hiệu quả, chặn đứng các vụ xâm nhập biên giới để buôn bán ma túy. Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá lại chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cụm biên giới, cần thiết phải có khảo sát để đầu tư kinh tế - xã hội tương xứng, ưu tiên chương trình cho đồng bào dân tộc, đồng bào biên giới.

Vũ Hân
.
.
.