Tòa án nhân dân Tối cao:

Tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của ngành Tòa án khu vực phía Nam

Chủ Nhật, 24/03/2013, 13:03
Sáng 23/3, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tổ chức Hội nghị góp ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của ngành TAND khu vực phía Nam.

Thành phần tham dự gồm các cán bộ chủ chốt của TAND các tỉnh, thành phía Nam và các đơn vị thuộc TAND Tối cao. Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình cho hay, đến nay, TAND Tối cao đã nhận được 73 báo cáo của các tòa án địa phương, đơn vị thuộc TAND Tối cao phản ánh hơn 2.000 ý kiến về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đối tượng lấy ý kiến bao gồm các thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao; các đơn vị thuộc TAND Tối cao; TAND và Tòa án quân sự các cấp; các thẩm phán, hội thẩm, các cán bộ, công chức, viên chức công tác trong ngành Tòa án.

Đánh giá chung về dự thảo, các ý kiến cho rằng, về tổng thể, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Việc tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn xã hội trong Hiến pháp là cần thiết. Đây là nội dung cực kỳ quan trọng, đáp ứng được nguyên vọng của đại đa số nhân dân, phù hợp với lịch sử và những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta.

Liên quan đến ngành TAND, có rất nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định tại Điều 109 thì TAND tối cao có chức năng thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử. Việc đảm bảo này được thực hiện bằng hình thức ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng pháp luật khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, các hình thức này là chưa đầy đủ, chưa đáp ứng kịp thời việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử. Vì vậy, đề nghị bổ sung nhiệm vụ “phát triển án lệ” vào khoản 3, điều 109 để giải quyết các vụ việc trong những trường hợp quy định của pháp luật chưa rõ ràng, không thống nhất và có những cách hiểu khác nhau…

Bên cạnh những ý kiến liên quan đến ngành Tòa án, nhiều đại biểu còn “mổ xẻ” nhiều vấn đề mà người dân quan tâm hiện nay.

Đại diện TAND tỉnh Bình Dương cho rằng, tại khoản 3 Điều 58 nêu “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”, quy định này rất dễ phát sinh lợi ích nhóm nên đề nghị cần bỏ cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Đại diện Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh thì ý kiến: Theo khoản 1 Điều 31 quy định “Mọi người đều có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” nhưng trong cả lý luận và thực tiễn mọi người còn có quyền khiếu nại, tố cáo cả quyết định và sự bỏ mặc (không hành động) của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “Mọi người có quyền khiếu nại tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”…

P.Tuyền
.
.
.