Tổ chức đặc xá tha tù tại các địa phương
Trại giam An Phước có 183 người được đặc xá đợt 2 năm 2009, cao nhất trong khu vực các tỉnh Nam Bộ. Đại tá Vũ Thế Dương, giám thị Trại An Phước, cho biết: Với quyết tâm trả về cho xã hội những công dân tốt, có nghề nghiệp ổn định. Bên cạnh cải tạo phạm nhân bằng hình thức lao động, Trại An Phước đã giành nhiều thời gian đối thoại với phạm nhân để tìm hiểu ước mơ về tương lai của người phạm tội. Làm được điều này, cán bộ quản giáo và Ban giám thị đã hỗ trợ, giúp đỡ để phạm nhân yên tâm lao động và học tập, chọn hướng tương lai cho bản thân.
Chỉ tính riêng hai đợt đặc xá trong năm 2009, Trại An Phước đã trả về cho xã hội hơn 600 phạm nhân, hiện nay 80% người được đặc xá có nghề nghiệp lao động kiếm sống ổn định; nhiều người trở thành chủ hiệu buôn bán nhỏ, tìm được cho bản thân mái ấm hạnh phúc gia đình… Bên cạnh công tác xét đặc xá theo quy định, đợt này Trại An Phước còn căn cứ trên thành tích học tập và lao động đã đề nghị giảm hình phạt án phạt tù cho 528 phạm nhân khác.
Niềm vui đoàn tụ của người được đặc xá và thân nhân. Ảnh: Thanh Hương. |
* Sáng 1/9, Trại giam Xuân Lộc (thuộc Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng - Bộ Công an) đóng ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức công bố Quyết định đặc xá năm 2009 (đợt 2) của Chủ tịch nước cho 166 phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá theo quy định.
Tuy số lượng phạm nhân được đặc xá khá đông, nhưng nhờ chuẩn bị chu đáo, làm việc tích cực, khẩn trương; đến 11h, tất cả 166 phạm nhân đã được trại Xuân Lộc cấp Giấy chứng nhận đặc xá, làm các thủ tục liên quan, cấp quần áo, tiền tàu xe và tổ chức xe ôtô chở họ ra ngã ba Ông Đồn cách trại hơn 5 km để họ đón xe về nhà trong thời gian sớm nhất.
Ngoài 166 phạm nhân được đặc xá, trong dịp này, trại Xuân Lộc cũng đã trả tự do cho 108 phạm nhân hết thời hạn chấp hành án phạt tù và giảm án cho 730 phạm nhân khác. Đặc xá mới chỉ là bước khởi đầu của con đường hướng thiện. Chặng đường trước mắt họ còn nhiều thử thách, khó khăn; bên cạnh đó là sự cám dỗ, lôi kéo, xúi giục của kẻ xấu.
* Ngày 1/9, Công an TP Cần Thơ tổ chức lễ Công bố quyết định đặc xá (lần 2, năm 2009) của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh 2-9. Đợt này, ở TP Cần Thơ có 14 phạm nhân (có 2 nữ) được đặc xá.
Dịp này, Hội đồng xét giảm mức phạt tù TP Cần Thơ cũng đã họp xét giảm hình phạt tù cho 46 phạm nhân có quá trình học tập, cải tạo, lao động tốt. Trong đó, 7 phạm nhân được giảm hết thời hạn phạt tù còn lại (từ 4 tháng trở xuống); 39 phạm nhân khác được giảm từ 3 tháng đến 6 tháng tù.
* Cùng ngày, Trại giam Gia Trung và Trại giam Đăk Trung - Bộ Công an (đóng ở Mang Yang, Gia Lai và Cư M'Gar, Đắk Lắk) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 310 phạm nhân có thành tích cải tạo tốt, đủ các điều kiện được đặc xá theo quy định của Hội đồng Đặc xá Trung ương. Trong đó, Trại giam Gia Trung có 111 phạm nhân, Trại giam Đắk Trung có 199 phạm nhân được đặc xá đợt này. Thượng tá Nguyễn Văn Trầm - Giám thị Trại giam Đắk Trung cho biết, trong đợt đặc xá lần này ở Trại giam Đắk Trung có 23 phạm nhân là người dân tộc thiểu số, 2 phạm nhân có mức án cao nhất là 14 năm tù.
* Tại Trại tạm giam Yên Trạch, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), Công an tỉnh Lạng Sơn và các ngành chức năng đã tổ chức công bố Quyết định số 1268/2009/QĐ-CTN, ngày 29/8/2009 của Chủ tịch nước về việc xét đặc xá tha tù trước thời hạn cho 12 phạm nhân có biểu hiện tốt trong lao động cải tạo, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy định của trại.
Cùng với hỗ trợ tiền tàu xe, ăn đường... để những người được đặc xá trở về đoàn tụ cùng gia đình, lãnh đạo Trại bố trí người đưa ra bến xe của tỉnh để những người được đặc xá không có thân nhân đến đón về nơi cư trú thuận lợi. Trước khi tiến hành đặc xá, Ban Giám thị Trại tạm giam đã liên hệ với các địa phương có người được đặc xá, quan tâm, tạo điều kiện cho họ khi trở về địa phương, sớm tái hoà nhập cộng đồng