Vì sao Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ thay vì bãi nhiệm ông Võ Kim Cự?

Thứ Sáu, 19/05/2017, 17:23
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông Võ Kim Cự thôi nhiệm vụ sau khi bị kết luận sai phạm và bị kỷ luật thì uy tín có đảm bảo không, có nên đưa ra Quốc hội bãi nhiệm thay vì cho thôi nhiệm vụ theo nguyện vọng? 


Chiều 19-5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 22-5 tới. Theo thông lệ, tại kỳ họp đầu năm Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật; đồng thời xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo chương trình dự kiến được Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 13,5 ngày (khoảng 60% thời gian kỳ họp) để xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Trong các dự án luật được dự kiến thông qua có nội dung rất được chú ý là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 với hàng trăm điểm được điều chỉnh.

Ngoài ra, Quốc hội dành khoảng 6,5 ngày để xem xét, thảo luận và quyết định về các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Dù gây ra rất nhiều lo ngại trong các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án trị giá 23.000 tỷ đồng để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã được đưa vào chương trình dự kiến.

Quang cảnh buổi họp báo chiều 19-5 do Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp, Quốc hội sẽ bố trí 12 phiên họp toàn thể tại hội trường được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh đây vẫn là chương trình dự kiến, còn phải đợi các ĐBQH biểu quyết thông qua.

Tại phiên họp báo này, các PV đã bày tỏ sự quan tâm về trường hợp thôi ĐBQH “vì lý do sức khỏe” của ông Võ Kim Cự. PV báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi: "Trường hợp này giúp Quốc hội rút ra kinh nghiệm gì trong công tác kiểm tra sức khỏe người ứng cử và chăm sóc sức khỏe ĐBQH?" 

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Sau khi bị kỷ luật theo kết luận của Ban Bí thư và thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Võ Kim Cự đã có đơn thôi nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe. Căn cứ vào quy định của pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đồng ý cho thôi nhiệm vụ với ông Cự. Đây là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội". 

“Sức khỏe (của một người) nay khỏe mai yếu là bình thường, nhất là những bệnh nghiêm trọng. Có khi ĐBQH cũng cảm thấy sức khỏe không đảm bảo, không phải có giấy tờ chứng minh gì cả. Người ta có đơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét thấy phù hợp thì cho thôi nhiệm vụ” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của báo Vietnamnet về việc ông Võ Kim Cự thôi nhiệm vụ sau khi bị kết luận sai phạm và bị kỷ luật thì uy tín có đảm bảo không, có nên đưa ra Quốc hội bãi nhiệm thay vì cho thôi nhiệm vụ theo nguyện vọng, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sai phạm xảy ra khi ông Võ Kim Cự làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Hà Tĩnh – nhiệm vụ mà ông đã nghỉ từ tháng 10-2015, khi chưa phát sinh vụ việc Formosa và ông Cự đang có “thành tích rất tốt”. 

“Tháng 4-2016 mới có hiện tượng cá chết. Ngày 22-5-2016 chúng ta bầu cử quốc hội – khi chưa xác định được nguyên nhân cá chết. Đồng chí Cự bầu cử ngay tại Hà Tĩnh do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc giới thiệu với cương vị là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã. Cử tri, nhân dân bầu với kết quả 75% - rất cao. Do vừa qua bị kỷ luật, cộng với suy sụp tinh thần, sức khỏe yếu đi, xét thấy không hoàn thành nhiệm vụ thì (ông Cự) mới xin thôi và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý” – ông Phúc giải thích.

Trả lời câu hỏi của PV về tiến độ nghị quyết về xử lý cán bộ đã nghỉ hưu và Luật Biểu tình, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội đang chờ Chính phủ trình; đặc biệt với dự án Luật Biểu tình – quá trình xây dựng luật phải đảm bảo chất lượng Quốc hội mới xem xét đưa vào chương trình.

Liên quan đến việc Quốc hội khóa này khuyết khá nhiều đại biểu (5 người, vì lý do sai phạm và lý do sức khỏe), liệu có bầu bổ sung không, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội sẽ chỉ bầu bổ sung khi thiếu một tỷ lệ nhất định (ví dụ 10%), còn nếu khu vực nào thiếu có thể điều động đại biểu nơi khác đến làm nhiệm vụ.

Vũ Hân
.
.
.