Tiếp tục mô hình kết hợp trinh sát với điều tra

Thứ Bảy, 28/02/2015, 08:16
Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo) được trình UBTV Quốc hội tại phiên họp sáng 27/2.

* Băn khoăn phương án giao quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho kiểm ngư, thuế, Ủy ban chứng khoán

* Đề xuất thành lập Cục CSĐT tội phạm về buôn lậu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đãđạt được trong hoạt động điều tra hình sự theo Pháp lệnh năm 2004, thực tế cũng cho thấy Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quảđiều tra hình sự như:

Còn có nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, quy định về Điều tra viên… chưa cụ thể.

Mặt khác, do được ban hành từ lâu nên Pháp lệnh năm 2004 chưa có điều kiện thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc, tổ chức, hoạt động và cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp, các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân... trong hoạt động điều tra hình sự.

Xuất phát từ tình hình nêu trên, để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp vàđổi mới tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra; bảo đảm tính thống nhất và sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh năm 2004 thì việc xây dựng, ban hành Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, mô hình tổ chức cơ quan điều tra quy định trong dự thảo Luật về cơ bản được giữ như mô hình tổ chức cơ quan điều tra hiện hành, có bổ sung một số cơ quan điều tra ở các cấp và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, mô hình tổ chức cơ quan điều tra hiện nay theo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 có một số điểm hạn chế.

Đó là không tách bạch được chức năng điều tra theo tố tụng với chức năng điều tra trinh sát, giữa điều tra theo tố tụng với chức năng phòng ngừa xử lý vi phạm hành chính, dễ dẫn đến việc thực hiện trùng lắp các chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; ngoài ra, còn có thể dẫn đến việc điều tra, xử lý vụ việc một cách khép kín, thiếu khách quan.

Một số ý kiến cho rằng, theo định hướng cải cách tư pháp của Đảng thì Tòa án nhân dân cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử các tội có mức hình phạt đến 15 năm tù thì đáng lẽ thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp huyện phải được tăng cường.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện được yêu cầu nêu trên mà vẫn quy định theo hướng cơ quan điều tra của Bộ và cơ quan điều tra cấp tỉnh vẫn điều tra một số tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, điều này là chưa thật hợp lý.

Đáng chú ý, dự luật bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Một số ý kiến đề nghị giao quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho kiểm ngư.

Theo tờ trình, trong quá trình xây dựng dự án luật, có hai loại ý kiến khác nhau về bổ sung các cơ quan: Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cụ thể như sau:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không bổ sung Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 không chỉ đạo bổ sung các cơ quan này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Việc bổ sung quy định Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở những lĩnh vực có tính chất đặc thù như thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán; kinh nghiệm của các nước cho thấy những cơ quan này đều được giao thẩm quyền điều tra. Cùng đó, việc giao cho các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu góp phần giảm tải ở các cơ quan điều tra chuyên trách.

Dự thảo Luật quy định theo hai phương án: Phương án 1 giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Phương án 2 bổ sung Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự luật quy định về tổ chức của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gồm có Cục Cảnh sát quản lý, kiểm tra, hướng dẫn điều tra; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Cục Cảnh sát hình sự); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (gọi tắt là Cục Cảnh sát kinh tế); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu.

Nguyễn Thành
.
.
.