Tiếc thương nhà báo lão thành Hồng Hà

Thứ Hai, 17/01/2011, 08:16
Có lẽ, một lí do để nhà báo Hồng Hà luôn dành tình cảm sâu sắc với lực lượng Công an nói chung và Báo CAND nói riêng, là bởi ông đã chứng kiến sự ra đời và những chiến công đầu tiên của CAND Việt Nam.

Nhà báo Hồng Hà (tháng 6/2010). Ảnh: Duy Hiển.

Tin nhà báo lão thành Hồng Hà ra đi, đến với chúng tôi quá đột ngột. Dù là sự thật, song tôi không muốn tin điều đó xảy ra, nên vội bấm máy cho nhà báo Hà Thanh Giang, Phó ban Kinh tế Báo Nhân dân, con trai ông. Đầu bên kia, giọng Giang buồn rầu: "Bố em đi lúc gần sáng nay rồi anh ạ". Tự dưng cổ họng tôi như bị nút lại. Tôi chỉ còn biết nói lời chia buồn với Giang và gia đình. Tôi vội báo tin cho anh Hữu Ước, Tổng Biên tập và một số anh em có nhiều gắn bó với ông. Tất cả đều ngạc nhiên, sững sờ và tiếc thương ông...

Nhà báo Hồng Hà là người bạn lớn, thân thiết của Báo CAND từ nhiều năm qua. Từng là một lãnh đạo cấp cao của Đảng (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chánh Văn phòng TW Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương), khi không giữ cương vị quản lý, ông vẫn tham gia Hội đồng Lý luận Trung ương, có lúc giữ vai trò Tổng Thư ký, Ủy viên thường trực; tiếp tục hoạt động báo chí cũng như quan tâm đến đời sống báo chí của đất nước…

Ông tham gia cùng Báo CAND trong các chương trình hoạt động xã hội, từ thiện. Hầu như các dịp Tết hay lễ trọng, ông đều có những bài chính luận, tư liệu đứng trang trong nhiều ấn phẩm của Báo CAND. Khi thì ông viết về việc may mắn được cộng tác và viết bài từ số Công an Mới đầu tiên, tháng 11/1946, tiền thân của Báo Công an sau này; rồi kỉ niệm một chuyến đi công tác ở Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp; có lúc ông lại đề cập đến khó khăn đàm phán trong Hiệp định Paris về Việt Nam... Hoặc những bài chính luận đấu tranh với những hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Mới đây nhất, trong số Báo CAND Tết Tân Mão ông đã viết cho chúng tôi bài: "Xuân Tân Mão 1951: Làm báo ở Đại hội Đảng trong rừng", với nhiều bức ảnh tư liệu quý. Và không ngờ, đó lại là bài báo cuối cùng ông cộng tác với Báo CAND.

Năm nào ông cũng tới dự buổi gặp mặt cộng tác viên vào dịp đầu xuân và dành những lời nhận xét, góp ý chân thành để Báo CAND nâng cao chất lượng, giữ vững uy tín trong bạn đọc... Gần bảy thập kỷ làm báo, ông từng là cây bút chủ lực của nhiều tờ báo cách mạng sau Tổng khởi nghĩa thành công năm 1945. Bởi vậy mà những ý kiến của ông rất có giá trị, nhất là với những người làm Báo CAND.

Vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2010 vừa rồi, tôi may mắn được tới thăm ông. Căn phòng làm việc của ông nằm trong một biệt thự trên phố Nguyễn Cảnh Chân (quận Ba Đình, Hà Nội), dường như được bao bọc bởi những giá sách. Tôi vẫn nhớ lần nào đến thăm ông, tôi cũng được thưởng thức thứ trà thảo dược rất đậm đà, chỉ nhấp một ngụm đã thấy ngọt se se đầu lưỡi.

Hôm đó, ông vồn vã đón tôi, vẫn tự tay rót trà mời khách và tâm sự: "Nghề báo rèn cho mình thói quen ghi chép, tích lũy và lưu giữ tư liệu cẩn thận". Tuổi ngoại tám mươi nhưng giọng nói của nhà báo Hồng Hà vẫn sang lắm, khúc chiết và đầy truyền cảm. Tôi từng được nghe ông nói chuyện ở một số diễn đàn, hay trong những dịp bảo vệ đề tài khoa học của các Bộ, ngành. Những ý kiến của ông, vẫn thấm đẫm sự mẫn tiệp, tính chiến đấu và "có lửa" ở trong...

Ông trân trọng mở chiếc túi đựng các hiện vật cất kĩ trong một ngăn tủ, khoe với tôi: Đây là những bảng hiệu ghi tên, chức danh của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và một nước bạn trong cuộc gặp gỡ lịch sử, được chính ông giữ lại và bảo quản nhiều năm qua.

Ông kể: "Trong cuộc gặp đoàn cấp cao hai nước, mọi việc diễn biến thuận lợi đến mức cả bạn và ta đều bất ngờ. Ngày đó, máy tính đâu đã có, chúng mình phải tự tay viết tên, chức danh các đồng chí tham gia đoàn (bằng hai thứ tiếng), rồi cài vào tấm mi-ca làm bảng hiệu… Lúc họp xong, tay bắt mặt mừng; mọi người vui vẻ ra dự tiệc chiêu đãi, mình bèn đi thu lại những tấm bảng hiệu này, cất kĩ từ đó đến giờ!".

Ông còn lấy cho tôi xem cuốn sổ ghi chép lưu lại từng chi tiết cuộc gặp đó, kĩ càng và tỉ mỉ như một "Biên bản ghi nhớ". Biết tôi rất tò mò, ông bảo: "Cậu chỉ được xem đến thế thôi. Còn mình, có thể mình sẽ viết thành cuốn sách, rồi mọi tài liệu, mình sẽ trả lại cho Đảng"… Tôi đã nhiệt thành tán thưởng: "Vâng, ông nên viết lại cho hậu thế những việc này, con nghĩ sẽ rất hữu ích".

Kể xong câu chuyện về cuộc gặp lịch sử, ông chỉ tay vào chiếc laptop trên bàn làm việc, tự bạch: "Mình vẫn làm việc hằng ngày, sử dụng Internet phục vụ công việc. Thời bây giờ, điều kiện làm việc của các cậu thuận lợi thật!". Khi tôi mạn phép hỏi ông về cái buổi ban đầu đến với nghề báo, nhà báo Hồng Hà tâm sự: "Mình vẫn đam mê nghề báo, vẫn viết đều. Mình còn giữ thẻ nhà báo, và là hội viên Hội Nhà báo, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam".

Nhà báo Hồng Hà với các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Ban Biên tập Báo CAND và các đại biểu tại cuộc gặp mặt cộng tác viên Báo CAND năm 2010.

Nhà báo Hồng Hà (tên thật là Hà Văn Trường) là em ruột nhà báo Thép Mới (Hà Văn Lộc). Quê gốc ở Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), nhưng hai anh em Lộc - Trường sinh ra và lớn lên ở thành phố Nam Định. Người cha của họ là cụ Hà Văn Nguyên, làm việc trong Ty Dây thép (tức Bưu điện) Nam Định. Tuổi thơ hai anh em gắn với Thành Nam đất học...

"Người giác ngộ cách mạng cho mình chính là ông Thép Mới. Hai anh em đều học trường Thành chung Nam Định; ngôi trường này cũng là nơi nhà cách mạng Trường Chinh và các anh Mai Chí Thọ, Nguyễn Cơ Thạch... từng theo học".

Cậu học trò Hà Văn Trường đến với nghề báo từ năm 1943, khi ông dịch, gửi bài cho Báo Nam Cường ở Hà Nội. Đó là tác phẩm "Túi khôn" - mà bây giờ được phiên thành "Đắc nhân tâm", dịch từ tiếng Pháp. Nhớ lại cái thuở ban đầu ấy, ông cười rạng rỡ: "Nhận được tờ báo biếu gửi từ Hà Nội, thì mừng lắm!"... Từ đó, Hồng Hà đã gắn bó với nghề báo suốt bảy thập kỷ; sau này, dù ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng ông vẫn luôn là một nhà báo theo đúng nghĩa của từ này. Về bút danh Hồng Hà, ông kể: "Khi mình viết những bài báo đầu tiên, các đồng chí biên tập Báo Cứu Quốc hỏi lấy bút danh là gì? Mình chợt nhớ, ông Thép Mới có bí danh là Hồng, hai anh em được sinh ra bên dòng sông Hồng, nên mình lấy chữ Hà ghép lại thành Hồng Hà".

Có lẽ, một lí do để nhà báo Hồng Hà luôn dành tình cảm sâu sắc với lực lượng Công an nói chung và Báo CAND nói riêng, là bởi ông đã chứng kiến sự ra đời và những chiến công đầu tiên của CAND Việt Nam. Trong vụ án kinh điển "Số 7 Ôn Như Hầu" tháng 7/1946, là phóng viên thời sự địa bàn Hà Nội, Hồng Hà có mặt ngay khi vụ án được khám phá. Ông đã chụp ảnh những xác người bị bọn phản động bắt cóc, sát hại.

Nhớ lại những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, ông kể: "Có những vụ ám sát chúng gây ra trên đường phố Hà Nội, khi phóng viên chúng mình đến nơi xảy ra còn thấy những mảnh giấy do chúng viết ghim trên xác người nhằm thách thức chính quyền cách mạng... Mình vẫn nhớ hình ảnh các chiến sĩ Công an ta đào đất tìm hố chôn người do bọn Quốc Dân đảng bắt về ngôi nhà này để tra tấn và thủ tiêu. Người dân Hà Nội đến xem rất đông và càng nghê tởm bọn đảng phái phản động"…

Nhà báo Hồng Hà (người ngồi ngoài cùng bên trái) và các văn nghệ sĩ tại Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu.

Không nhiều người có được may mắn trong đời làm báo khi được chứng kiến và trực tiếp tham dự vào những sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt của đất nước. Nhà báo Hồng Hà từng là phóng viên thời sự đưa tin về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại chiến khu Việt Bắc, tham dự Hội nghị Quân sự Trung Giã đàm phán với Pháp năm 1954 về những vấn đề chi tiết đình chiến ở Đông Dương. Hơn 10 năm sau, với tư cách một nhà báo, nhà ngoại giao, ông lại có mặt trong phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam, suốt 5 năm trời. Ông cũng nhiều lần được tháp tùng, đưa tin về các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Sau này, trong quá trình đổi mới của đất nước, đảm đương những trọng trách mới do Đảng, Nhà nước giao phó, nhà báo Hồng Hà đã trực tiếp tham gia vào quá trình bình thường hóa, kiến tạo quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc… 

Tưởng nhớ nhà báo lão thành Hồng Hà, chúng tôi ghi lại một vài kỉ niệm với ông - người thầy, người bạn lớn thân thiết của các nhà báo Công an. Nhớ đến ông, chúng tôi luôn tự răn mình phải giữ gìn đạo đức và bầu nhiệt huyết của những người làm báo

Phạm Miên - Duy Hiển
.
.
.