Thường vụ Quốc hội yêu cầu siết điều kiện an ninh hàng không dân dụng
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 với việc tách chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh, đánh dấu bước đột phá về công tác quản lý nhà nước cũng như tạo khung pháp lý cho các hoạt động trong ngành Hàng không dân dụng. Tuy nhiên, nhiều hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như: vị trí, chức năng nhiệm vụ của nhà chức trách hàng không; hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng không; vấn đề quản lý giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không; vấn đề quản lý, cấp phép bay cho tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; vấn đề sử dụng thương hiệu, nhượng quyền thương mại trong kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung; vấn đề sân bay chuyên dùng; vấn đề an ninh hàng không... Ngoài ra còn có đòi hỏi liên quan đến việc tái cơ cấu ngành hàng không dân dụng Việt Nam; về mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc; về bảo đảm quyền lợi của hành khách, người gửi hàng; chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng không. Cùng với đó là đòi hỏi sự tương thích với các điều ước quốc tế về hàng không dân dụng mà Việt Nam đã là thành viên; các điều ước quốc tế đang trong quá trình nghiên cứu, triển khai gia nhập, như Công ước và Nghị định thư Cape Town, Công ước Montreal 1999.
Trong tổng số 202 điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 46 Điều ở các Chương I, II, III, V, VI, VII, VIII và IX, chiếm 22,8% tổng số điều của luật. Theo đó, việc thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay tại Việt Nam phải bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay tại Việt Nam phải có giấy phép do Bộ Giao thông vận tải cấp. Người đề nghị cấp giấy phép phải nộp lệ phí. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; thủ tục cấp, công nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, giấy chứng nhận loại; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho các cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay, bao gồm cả tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.
Mới đây, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), sự cố kiểm soát viên không lưu (KSVKL) cấp huấn lệnh cho máy bay PIC595 của Jetstar Pacific Airlines cất cánh khi máy bay HVN130 của Vietnam Airlines chưa thoát ly khỏi đường cất hạ cánh hôm 27/6 tại sân bay quốc tế Đà Nẵng là uy hiếp an toàn hoạt động bay nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tai nạn. Cục Hàng không xác định, sự cố 2 máy bay của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific suýt va chạm trên đường băng xảy ra do lỗi nghiêm trọng về yếu tố con người.
Theo thẩm quyền, Cục HKVN yêu cầu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đình chỉ công việc đối với Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký công văn thông báo kết quả điều tra sự cố để thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm. Tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm Phó Giám đốc phụ trách công tác không lưu và Phó Giám đốc trực liên quan...