Thường vụ Quốc hội yêu cầu kiểm soát chặt đầu tư công

Thứ Năm, 20/09/2012, 00:04
Cho rằng đầu tư công đã, đang gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn vốn, tài sản từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác, các thành viên UBTV Quốc hội tại phiên họp ngày 19/9 yêu cầu phải kiểm soát chặt đầu tư công. Đây là điểm nổi bật khi thảo luận báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012.

Theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2012, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện trên 31.300 khoản chi thường xuyên chưa thực hiện đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa giải ngân, thanh toán với số tiền trên 371 tỷ đồng. Các cơ quan thanh tra Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về NSNN trên 3.529 tỷ đồng và kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm chế độ quản lý, sử dụng NSNN. Thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán 9.727 dự án hoàn thành trong cả nước, đã cắt giảm các khoản chi phí sai tiêu chuẩn, định mức, góp phần tiết kiệm cho ngân sách 803,89 tỷ đồng...

Thường vụ Quốc hội cho rằng, năm 2012, nền kinh tế nước ta đứng trước những thách thức lớn như tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá cả biến động, hàng tồn kho lớn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, sức mua giảm. Cùng với đó là những yếu tố bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực đã tác động đến sự phát triển của đất nước và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 đã đạt được kết quả quan trọng trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công vẫn phức tạp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công “là mảnh đất màu mỡ đối với các hành vi tham nhũng”. Ông Hiện viện dẫn, thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng cắt giảm nên thời gian qua, nhiều dự án, công trình phải giãn, hoãn, ngừng thi công do quyết định đầu tư dàn trải trong những năm trước cũng gây nên tình trạng công trình dở dang nhiều, nợ khối lượng xây dựng cơ bản cao và lãng phí lớn. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2011, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành phố là trên 91.000 tỷ đồng của hơn 47.200 dự án.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thừa nhận, trong số nguyên nhân của những hạn chế thì báo cáo chưa nêu được nhân tố là phải tự cải cách, đổi mới trong vận hành bộ máy hành chính của chúng ta. Thứ 2 là vấn đề giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình còn gây lãng phí lớn và bức xúc trong nhân dân. Trong khi đó, ý thức tiết kiệm, chống lãng phí của toàn xã hội chưa được coi trọng. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo cần bổ sung, hoàn thiện nội dung liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do lãng phí gây ra, quản lý, sử dụng thời gian lao động trong khu vực nhà nước, quản lý ngân sách nhà nước và quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 22/10. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 25 ngày (chưa kể các ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật). Mặc dù là kỳ họp cuối năm nhưng công tác xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ 4 tương đối nhiều. Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).... 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần xác định rõ bối cảnh, tầm quan trọng và trọng tâm của kỳ họp để sắp xếp, bố trí thời gian thảo luận hợp lý, gắn kết được các nội dung nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm dành nhiều thời gian thảo luận, đồng thời lưu ý các cơ quan sớm hoàn thiện, gửi các báo cáo, tài liệu để đại biểu có thời gian nghiên cứu

P.Đăng
.
.
.