Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 14

Thứ Sáu, 17/10/2014, 00:50
Chiều 16/10 (giờ Việt Nam), tại Trung tâm Hội nghị TP Milan, Italia, đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 14 với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10).
>> Đức ủng hộ Việt Nam hợp tác toàn diện với EU

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng nước chủ nhà Italia, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Thủ tướng Nhật Bản và Malaysia… đã thay mặt các thành viên ASEM tham dự.

Với chủ đề “Tăng cường quan hệ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế Á - Âu”, Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 800 đại diện các tập đoàn hàng đầu ở hai châu lục.

Trong phát biểu chào mừng các nhà lãnh đạo, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Italia Giorgio Squindi đánh giá cao sự quan tâm của các nhà lãnh đạo thành viên ASEM trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Á - Âu thúc đẩy các hoạt động thương mạị, đầu tư. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, bà Emma Marcegaglia đã trình bản Tuyên bố của diễn đàn lên Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cũng là Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEM 10, trong đó nêu nhiều đề xuất tăng cường liên kết kinh tế giữa hai châu lục và góp phần phục hồi kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trong phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đề xuất thiết thực của các doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục cùng triển khai mạnh mẽ các chương trình hành động của ASEM nhằm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, thông qua các chương trình đối tác công - tư để góp phần đổi mới và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ xanh, sạch, xây dựng thói quen tiêu dùng, phương thức sản xuất thân thiện với môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh triển vọng hình thành các tầng nấc liên kết kinh tế mới ở châu Á cùng việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 đang mở ra thời kỳ phát triển hoàn toàn mới và năng động, với một thị trường chung, không gian kinh tế thống nhất cho Đông Nam Á. Đến năm 2020, ASEAN sẽ trở thành một tâm điểm trong mạng lưới kinh tế - thương mại và liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương, với việc hoàn tất các cam kết của các Hiệp định tự do thương mại ASEAN với các đối tác, triển vọng hình thành Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN – EU được dự kiến khởi động lại sau năm 2015... Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Á – Âu cần nắm bắt các thời cơ mới để cùng triển khai các dự án kết nối ở châu Á, đặc biệt là Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN, các dự án kết nối của ASEAN lục địa và tiểu vùng Mê Công.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Với hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, Việt Nam không chỉ trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo.

Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 14, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/10, cùng với Diễn đàn Nghị viện Á - Âu (ngày 6 đến 8/10) và Diễn đàn Nhân dân Á - Âu (họp ngày 10 đến 12/10) là những hoạt động hướng tới Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác ASEM lần thứ 10 họp từ ngày 16 đến 17/10 cũng tại TP Milan. Tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp năm nay có đại diện của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam, như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Ngân hàng Thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

l Sáng 16-10 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Milan, Italia, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 10. Trước đó, tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi những vấn đề thách thức đối với hòa bình, an ninh, phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Đức trong tổng thể quan hệ Á – Âu ở Viện Koerber.

Theo Thủ tướng, trong những năm gần đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nổi lên là động lực tăng trưởng và liên kết của kinh tế thế giới, đưa khu vực này trở thành một trung tâm quyền lực mới, một trung tâm kinh tế lớn chiếm gần 55% GDP toàn cầu và có vai trò rất quan trọng trong tiến trình hình thành trật tự thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, khu vực này đang còn tồn tại nhiều vấn đề; nổi lên là diễn biến phức tạp của các điểm nóng như bán đảo Triều Tiên, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là ở biển Đông và biển Hoa Đông... và đáng lo ngại là sự thiếu hụt lòng tin - nhân tố chủ yếu khiến cho hòa bình, ổn định ở đây chưa thực sự bền vững. Nếu môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của châu Á - Thái Bình Dương bị xấu đi thì sẽ gây tác động rất tiêu cực và hệ lụy khôn lường đối với cả khu vực và toàn thế giới

Theo TTXVN
.
.
.