Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân

Thứ Hai, 28/09/2020, 18:17
Ngày 28/9, tại TP Buôn Ma Thuột, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.


Dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, các Ban Đảng, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng với sự có mặt của hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan các gian hàng nông nghiệp trưng bày tại Hội nghị

Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với nông dân sau thành công của lần đối thoại thứ 1 được tổ chức tại tỉnh Hải Dương (tháng 8-2018) và lần thứ 2 tại TP Cần Thơ (tháng 12-2019). Theo Ban tổ chức, trước thềm Hội nghị đối thoại lần này, đã có 2.200 câu hỏi khác nhau do bà con nông dân, Hội Nông dân các cấp, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các phóng viên báo chí… trực tiếp gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua các kênh tiếp nhận.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã trực tiếp lắng nghe, giải đáp những vấn đề khó khăn, băn khoăn, vướng mắc mà các hộ nông dân, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã đang gặp phải. Những nội dung chưa được giải đáp tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương sẽ nghiên cứu, xem xét và trả lời với bà con nông dân trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương trả lời những vấn đề nông dân nêu ra tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao việc Hội Nông dân Việt Nam chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bà con nông dân chúng ta có một khát khao rất lớn trong việc vươn lên làm giàu từ nông nghiệp chính trên mảnh đất của chính mình; cùng với đó là các vấn đề còn nhức nhối, đang tồn tại ở khu vực Tây Nguyên như: tranh chấp đất đai ở các nông lâm trường, vấn đề di dân tự do, tái định cư đến chặt phá rừng, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực biên giới…

Theo Thủ tướng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc tới phát triển khu vực  miền Trung - Tây nguyên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị, sau khi tổ chức thành công Hội nghị lần này, Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm và nòng cốt của Hội trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và nông dân. Các cấp hội cần sát nông dân, lắng nghe tiếng nói, ý kiến của nông dân; nắm chắc tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn… Thông qua đó kịp thời có ý kiến, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, góp phần tăng hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời về việc đấu tranh với nạn "tín dụng đen" ở nông thôn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vừa qua thực sự là giai đoạn rất thành công trong việc kiến tạo chuỗi giá trị nông sản của đất nước ta khi Việt Nam tham gia ký kết hơn 15 Hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương với các đối tác trên thế giới, đặc biệt là 2 hiệp định lớn là: Hiệp định CPTPP với 11 nước châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp định EVFTA với liên minh châu Âu mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Bằng chứng là ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, chúng ta đã xuất khẩu được những lô hàng gạo, tôm, cà phê, chanh leo, dừa…đầu tiên vào châu Âu với thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA”, Thủ tướng nêu.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, chúng ta cũng chịu rất nhiều tác động, nhất là những ảnh hưởng, tác động do đại dịch COVID-19 gây ra. “Tôi yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương ngay sau Hội nghị đối thoại lần này cần bắt tay ngay vào cuộc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà bà con nông dân đã nêu tại Hội nghị”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các nông dân tham dự tại Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương ngay sau buổi đối thoại, những đề án, chính sách nào các Bộ, ngành còn nợ, chưa hoàn thành phải khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến ban hành. “Chúng ta không để một chính sách kéo dài từ năm này đến năm khác chưa thực hiện được. Tôi mong muốn làm sao hội nghị đối thoại lần tới tất cả các vấn đề đặt ra tại hội nghị lần này cơ bản đã được giải quyết. Hội nghị đối thoại lần này diễn ra vào đúng thời điểm cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra vào năm 2021 tới đây. Do đó, những câu hỏi, vướng mắc, cùng với kiến nghị đề xuất của bà con nông dân nêu lên nơi đây cũng là dịp cho chúng ta nghiên cứu, đưa những nội dung đó vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ cũng đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Đắk Lắk về kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2020; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và kết quả triển khai Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị.

Văn Thành
.
.
.