Thống đốc Nguyễn Văn Bình “trấn an” quan ngại lạm phát từ tăng tín dụng
Lĩnh vực ngân hàng được khá nhiều đại biểu quan tâm, nhất là lo ngại việc tăng cung tiền và tín dụng sẽ khiến lạm phát “nhấp nhổm” trở lại. Về điều này, Thống đốc Bình giải thích: Tăng trưởng tín dụng (TD) 10 tháng năm 2012 của cả hệ thống ở mức trên 2%. Cả năm 2012 là xấp xỉ 9%. Năm nay, 10 tháng tăng trưởng tín dụng đạt 6,8% nếu tính cả phần dư nợ TD đã được xử lý thông qua trích lập dự phòng rủi ro và thông qua mua bán nợ của công ty VAMC thì thực tế tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đã ở mức 7,89%.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, tăng tín dụng không ảnh hưởng tới lạm phát . |
Theo Thống đốc, hàng tuần, Ngân hàng Nhà nước giao ban với các NHTM cũng như giám đốc NHNN ở các tỉnh để nắm bắt kế hoạch tăng trưởng của các TCTD. “Chúng tôi thấy rằng, trên cơ sở những kết quả đạt được những năm qua, đặc biệt là 2012, cũng như kế hoạch tăng trưởng của các TCTD trong 2 tháng còn lại, chúng tôi có cơ sở tin tưởng rằng sẽ đạt được mức tăng trưởng TD 12%” – ông Bình nói.
Về mối quan hệ giữa tín dụng và lạm phát, Thống đốc cho rằng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước điều hòa lượng tiền lưu thông hợp lý. Hiện đã có một số vốn tương ứng đang dự trữ cho tăng trưởng TD những tháng cuối năm. Do vậy không ảnh hưởng đến kế hoạch cung tiền của NHNN do vậy sẽ kiềm chế được lạm phát nếu như tín dụng tăng mạnh những tháng cuối năm. Những năm qua, đầu tư TD của hệ thống NH cho nông nghiệp- nông thôn (NN- NT) khá lớn. Từ khi Nghị định 41 có hiệu lực, tín dụng cho lĩnh vực này tăng trưởng gấp đôi. Riêng 2013, dù tăng trưởng tín dụng của toàn ngành còn ở mức khiêm tốn nhưng tăng trưởng TD cho NN-NT tăng trên 15%, theo kế hoạch sẽ đạt 15-18%. Đặc biệt, dư nợ TD, nợ xấu trong lĩnh vực NN-NT cũng ở thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung. Theo số liệu báo cáo, hiện nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 4,64% nhưng nx trong lĩnh vực NN-NT chỉ mức trên 3%.
Dự kiến tháng 11 sơ kết ở Trung ương, nhằm đánh giá những tồn tại trong Nghị định này thời gian qua, cũng như định hướng Nghị định này thời gian tới cho phù hợp với các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, phù hợp với thực tế hiện nay trong hoạt động nông nghiệp, nông thôn , Luật Hợp tác xã mới được thông qua và đề án tái cơ cấu nông nghiệp…
Nhiều ý kiến đại biểu chia sẻ cố gắng của Ngân hàng Nhà nước nhưng lo ngại những điều hành chưa nhất quán. Đại biểu Hà Sỹ Đồng nói, danh sách 9 ngân hàng yếu kém mà nhà điều hành đã chỉ đích danh vừa qua cần rà soát, đánh giá lại sức khỏe của các tổ chức tín dụng một lần nữa. Theo ông, các ngân hàng lớn phải có đủ lượng vốn cần thiết để tham gia tái cơ cấu hệ thống. Trong quá trình xử lý các nhà băng yếu kém, nếu không tìm kiếm được nhà đầu tư mới để đạt yêu cầu về lượng vốn cần thiết. Vốn trong nước không đủ phải gọi thêm vốn nước ngoài. Nếu vẫn không được phải đóng cửa, cắt bỏ ngân hàng đó... “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ có sự cạnh tranh gay gắt, vì vậy không cần thiết đặt mục tiêu tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều phải hoành tráng, không nên quá ưu ái bơm tiền vào những doanh nghiệp nhà nước đã không dưới 1 lần làm ăn thua lỗ, mắc nợ đầm đìa, mất khả năng thanh toán mà nên dùng ưu ái đó cho những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế xã hội cho dù doanh nghiệp đó thuộc bất cứ thành phần kinh tế nào” - đại biểu Đồng phân tích.
Cung tiền ngân hàng đang đảm bảo. |
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) đề cập tới khía cạnh pháp lý khi nhiều quy định hiện hành còn sơ hở, chưa thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh hơn. Theo ông, hiện trạng lách luật trong ngân hàng rất phổ biến và nếu chúng ta cải cách hệ thống ngân hàng và kiểm tra một cách nghiêm túc sẽ còn vạch ra nhiều khiếm khuyết của những ngân hàng cụ thể. Một trong những kẽ hở dễ lách luật phổ biến ở ngân hang hiện nay là sở hữu chéo. Việc các đối tượng trong ngân hàng thành lập công ty con, rồi đi vay lẫn nhau, tham gia lẫn nhau dẫn đến tình trạng họ dùng nguồn vốn của xã hội phục vụ cho nhu cầu cá nhân, khiến nguồn vốn không đặt đúng chỗ, gây rủi ro cho toàn hệ thống. Khi phát hiện sai phạm, cần xác định cái sai đó là do cơ chế sơ hở hay do đạo đức yếu kém, cố tình lừa đảo để có xử lý đúng địa chỉ. Ông khẳng định, chúng ta phải cải cách mạnh mẽ, đúng luật pháp để khôi phục lòng tin vào thị trường, vào chính sách.
Liên quan việc hỗ trợ vốn vay ngân hàng cho hộ nghèo, đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đề nghị có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất hoặc không tính lãi suất cho vay đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do bão lụt. Đồng thời tiếp tục có chính sách cho vay tín dụng ưu đãi đối với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để khắc phục hậu quả bão lụt. Trước mắt ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đóng mới tàu thuyền bị hư hỏng nặng, đặc biệt là ưu tiên cho vay ưu đãi trồng cây cao su với ân hạn từ 6 đến 7 năm. “Vừa qua một số tỉnh có trên 70% diện tích cao su trong thời kỳ khai thác đã bị đổ gãy hoàn toàn có thể nói đây là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm” - ông Quang đề nghị. Đối với trái phiếu, ông đề nghị Chính phủ trích từ nguồn trái phiếu sẽ thông qua tại kỳ họp này có một gói hỗ trợ đầu tư nâng cấp tu sửa các công trình đê kè, hồ chứa, các dự án chống xói lở bờ sông, bờ biển khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn. Với chương trình xây dựng nông thôn mới được bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Vấn đề này, “tôi thấy rằng không được đề cập đầu tư đối với địa bàn các tỉnh miền Trung bị bão lụt mà chỉ đề cập đến một số vùng miền khác”...