Thi hành án dân sự không cần “đơn xin”

Thứ Ba, 24/06/2014, 08:42
Thảo luận Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), các đại biểu chỉ rõ, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm phải thi hành bản án, đương sự không cần phải có đơn gây rắc rối, nhiêu khê.

Khôi phục niềm tin của người dân vào hoạt động tư pháp

Trước thực tế bất cập của hoạt động thi hành án dân sự, được đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng “nhiều trường hợp là nỗi đoạn trường của người dân, khi 5, 7, 10 năm sau, thậm chí chết rồi mà vẫn chưa được thi hành án vì sự trì trệ của những người liên quan”, việc sửa đổi Luật này là điều vô cùng cấp thiết để khôi phục lại niềm tin của người dân vào hoạt động tư pháp. Các đại biểu đều thống nhất luật nên tập trung vào việc tăng trách nhiệm của cơ quan thi hành án đối với nhân dân, giảm bớt thủ tục phiền hà và tăng hiệu lực thi hành án.

Một quy định được hầu hết các đại biểu kiến nghị cần bỏ chính là đơn xin thi hành án, bởi “một quyết định tư pháp khi đã ra đời, đối với các nhà nước pháp quyền có giá trị bắt buộc thi hành, không ai có quyền đảo ngược, nên quyền thi hành án không chỉ là trách nhiệm của đương sự, mà của cả chính cơ quan thi hành án”. Do một sự thật hiển nhiên là đã có bản án là mọi người phải có trách nhiệm thi hành, nên việc có đơn là không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, đặc biệt đối với những người dân vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh: Cần phải thay đổi tình trạng cơ quan thi hành án có thái độ như là làm hộ nhân dân, làm hộ người thắng kiện, nên nhiều trường hợp đã có bản án, người dân đã có đơn mà cơ quan thi hành án mãi không thi hành, cũng không thông báo lý do; hay nhiều trường hợp hoãn thi hành án vô lý.

“Thi hành án là trách nhiệm của anh. Nếu anh trì trệ, chính anh phải bị chế tài. Cản trở thi hành án là chế tài hình sự, kể cả khi đó là án dân sự” – đại biểu Nghĩa nhấn mạnh. Ngoài ra, cơ quan thi hành án cũng phải được trang bị đủ phương tiện, quyền hạn để thi hành án, như đối với ngân hàng, các bên liên quan biết tài sản của đương sự, cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, có quyền phong tỏa tài khoản ngay lập tức mà không được nại lý do bí mật nghiệp vụ hay bất cứ lý do gì.

Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cho rằng: Để hạn chế tình trạng người dân đeo đẳng nhiều năm, đi kiện hết sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm, nhưng đến khi có bản án lại không thi hành được hoặc thi hành được một phần, dẫn đến tiêu cực, phải đi tìm một phương cách giải quyết khác thì luật này cần giải quyết nhu cầu của người dân, chấm dứt án tồn đọng nhiều, đặc biệt chú ý đến chính quá trình thực thi.

Ba điểm nhấn của Luật Đầu tư (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) cho rằng Luật Đầu tư (sửa đổi) phải làm được 3 việc: Một là phải tạo được cơ chế đột phá, thu hút đầu tư trong tình hình mới; hai là phải kiểm soát tốt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn có nguồn gốc từ Nhà nước; ba là phải khắc phục những bất cập cơ bản của Luật Đầu tư 2005. Điều này sẽ giúp Việt Nam tạo ra lợi thế khi đang phải đối mặt với xu hướng cạnh tranh thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt từ các nước trên thế giới và trong khu vực, trong khi năng lực quốc gia nói chung, sức cạnh tranh thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài nói riêng còn nhiều hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường chỉ rõ: Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới về môi trường kinh doanh toàn cầu cuối năm 2013, Việt Nam “giậm chân tại chỗ”, đứng thứ 99/189 nền kinh tế, trong khi Campuchia tăng 23 bậc, Indonesia, Philippines tăng 19 bậc. Nguyên nhân do các lợi thế “cổ điển” của Việt Nam đang mất dần, trong khi các lợi thế mới chưa được tạo ra. Những cải cách về thủ tục hành chính, luật pháp, cổ phần hóa doanh nghiệp diễn ra quá chậm. Trong bối cảnh hiện nay, Luật Đầu tư (sửa đổi) phải thực sự là một “đột phá khẩu”, mở ra một trang mới cho đầu tư, kích thích vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kích hoạt động lực từ đầu tư, kích thích tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng nếu đưa ra được những giải pháp đột phá, dự luật sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang có nhiều khó khăn như hiện nay và tinh thần kinh doanh cũng đang cần được sốc lại. Tuy nhiên, đại biểu Lộc cũng chỉ ra một số quy định rườm rà, bất cập như cần giảm danh mục dự án cần phải quản lý bằng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mạnh dạn hơn nữa. Mặt khác, dự thảo hiện nay đang quy định theo kiểu liệt kê, nhà đầu tư có quyền a, b, c, d nào đó, “nghe qua thì tưởng hay, nhà đầu tư có rất nhiều quyền, nhưng về bản chất lại là sự hạn chế quyền của họ, bởi nhà đầu tư với quyền tự do kinh doanh được làm tất cả những việc gì pháp luật không cấm, chứ không chỉ được làm những việc được quy định tại luật này”.

Do đó, đại biểu Lộc đề nghị bỏ các quy định liên quan tới quyền của các nhà đầu tư tại dự thảo luật. Bên cạnh đó, đối với nhóm các quy định về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư – được cho là “thủ tục gây phiền hà nhất cho các nhà đầu tư” trên thực tế, cũng được các đại biểu kiến nghị cần thay đổi.

Đại tá Phạm Trường Dân.

Đại tá Phạm Trường Dân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam:  “Tôi mừng vì các đại biểu đánh giá rất cao đóng góp của lực lượng CAND với Tổ quốc”

Phải nói rằng kỳ họp này của Quốc hội có khối lượng công việc hết sức lớn, với rất nhiều dự án luật tham gia ý kiến lần đầu và nhiều dự án được thông qua. Tôi thấy các đại biểu trong quá trình họp thảo luận hết sức sôi nổi, kể cả thảo luận ở hội trường, ở tổ. Nhiều ý kiến rất sát, giúp Quốc hội nhìn nhận thực tế sát hơn, tốt hơn, kể cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Riêng với lực lượng Công an, tôi rất tâm huyết về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Phải nói tôi rất mừng, vì qua thảo luận, đa phần các đại biểu phát biểu và đánh giá rất cao đóng góp của lực lượng CAND đối với Tổ quốc, đối với nhân dân. Và cơ bản, họ đồng tình ủng hộ nội dung dự án luật. Trong phiên thảo luận, tôi có đăng ký nhưng cuối cùng không phát biểu nữa, để dành thời gian cho đại biểu ngoài ngành đánh giá. Qua những phát biểu đó thấy rằng các đại biểu rất chia sẻ với trọng trách của lực lượng Công an, thấy được cái khó khăn, cái gian khổ, hi sinh của anh em. Nhiều đại biểu cũng mong rằng Chính phủ quan tâm, có chính sách đãi ngộ về nhà ở, lương… cho anh em. Đây là một điều rất đáng phấn khởi với lực lượng Công an.

Để gia tăng chất lượng kỳ họp, tôi nghĩ các đại biểu nên dành thời gian nghiên cứu các dự án luật, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, để tham gia phát biểu, đặc biệt là ở thảo luận tổ. Thảo luận đó rất quan trọng, thẳng thắn, thấu đáo nhất là ở tổ, vì thảo luận trên hội trường có hạn chế về thời gian. Tuy nhiên, cử tri cũng phản ánh là các đại biểu vắng mặt hơi nhiều. Mà vắng nhiều chất lượng sẽ ảnh hưởng. Tôi nghĩ dân đã giao nhiệm vụ cho mình rồi, thì nên tham gia.

Thiếu tướng Lê Đông Phong.

Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh: Đại biểu Quốc hội rất chia sẻ với trọng trách của lực lượng Công an

Qua thảo luận về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), về cơ bản các ý kiến phát biểu trong hội trường đều đồng tình cao với tờ trình của Chính phủ và các nội dung cơ bản của dự thảo. Các ý kiến phát biểu góp ý trên rất nhiều nội dung, từ chức năng nhiệm vụ của lực lượng Công an, các vấn đề cụ thể như là công dân phục vụ có thời hạn, vấn đề hệ thống chức vụ cơ bản, vấn đề hệ thống cấp bậc hàm… Nói tóm lại các ý kiến đồng tình cũng khá cao. Cũng có ý kiến đặt vấn đề cần xem xét chặt chẽ về tiêu chuẩn phong cấp bậc hàm đối với một số chức vụ, nhưng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Sự chặt chẽ này là chặt về tiêu chuẩn và quy trình, chứ không có nghĩa là về mặt số lượng sẽ giảm. Buổi thảo luận có hơn hai chục ý kiến phát biểu, đa số là đồng thuận.

Qua hầu hết các ý kiến, nhất là ý kiến của các đại biểu không phải trong lực lượng Công an, thấy rằng đại biểu rất chia sẻ với trọng trách của lực lượng CAND trong bối cảnh tình hình hiện nay, những nhiệm vụ cụ thể, những vất vả khó khăn quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các đại biểu đặt vấn đề rất toàn diện, từ chức năng nhiệm vụ, đến trang bị, tạo điều kiện, đến công tác đảm bảo, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ Công an, việc hoàn thiện về mặt tổ chức. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì những sự chia sẻ đó, những ý kiến đóng góp đó là rất quý báu để lực lượng CAND nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

PV
.
.
.