Theo chân các chiến sỹ Công an truy lùng lâm tặc

Thứ Sáu, 07/12/2007, 12:18
22h, một chiếc xe tải phủ bạt kín xuất hiện, CSGT Hương Sơn (Hà Tĩnh) ra tín hiệu dừng. Khi xe đang đi chậm lại, một CSGT bước ra phía trước. Đột ngột, chiếc xe tải tắt phụt đèn, rú ga giật mạnh. Ngay lập tức, chiếc U oát lao lên, ép sát lề đường. Biết không thể chạy thoát, chiếc xe tải chấp nhận dừng lại nhưng cũng phải một lúc, lái xe mới bước xuống.

3h sáng một ngày cuối tháng 11, chuông điện thoại phòng trực ban Công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh  lại nhận tín hiệu. Tổ trực ban báo cáo nhanh: Một xe tải chở đầy gỗ lim, nhiều khả năng là gỗ lậu, đang chạy từ xã Sơn Lĩnh về thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh theo QL8A.

Những cuộc truy lùng trong đêm

Chuyện xe tải lợi dụng đêm tối thi nhau chở gỗ lậu vượt QL8A về thị xã Hồng Lĩnh hoặc theo đường Hồ Chí Minh sang Nghệ An đã có từ thời... đường chưa cải tạo. Tuy nhiên, lưu lượng gỗ "chảy máu" lúc lắng, lúc sôi sục, tùy thời điểm tư thương thu mua gỗ giá cao thấp ra sao.

Gần đây, rừng đại ngàn Hà Tĩnh liên tục đặt trong cảnh báo động, gỗ rời rừng theo đường bộ, đường sông, thậm chí chạy ngay giữa ban ngày. Hàng loạt trạm kiểm lâm đóng ở bìa rừng, đóng trên quốc lộ nhưng hy hữu mới thấy lực lượng này bắt được một vụ.

Một số kiểm lâm bị phát hiện sử dụng người nhà, người thân làm lâm tặc, câu kết, móc nối trục lợi, phá rừng. Vì thế, gần đây trạm kiểm lâm khu vực Nầm được lệnh đóng cửa.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cương quyết trước nạn “chảy máu rừng” ở địa phương, không ngần ngại "thay máu" lực lượng kiểm lâm: Chi cục trưởng bị cách chức, thay thế bằng Giám đốc lâm trường Nguyễn Hữu Lợi.

Mới đây, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan Công an căn cứ hồ sơ, tài liệu, làm rõ vụ phá rừng phòng hộ Kẻ Gỗ, khởi tố, bắt giam hàng loạt kiểm lâm viên.

Theo Thượng tá Trần Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Hương Sơn, trong lúc chờ quyết định chính thức, chấn chỉnh nội bộ lực lượng Kiểm lâm, Công an Hà Tĩnh được lệnh tấn công, truy quét lâm tặc nhằm cứu vãn những khu rừng đặc dụng đang lao đao.

Cách làm của lực lượng Công an cũng đổi mới, đó là không căng lực lượng dàn hàng ngang cùng xe kiểm soát trên quốc lộ, dùng barie chặn xe như kiểm lâm thường làm mà chủ yếu dựa vào nguồn tin trinh sát và quần chúng. Vì vậy, các cuộc phục bắt đem lại kết quả hữu hiệu.

Cuộc điện gọi lúc 3h sáng nói trên chỉ là một đêm anh em nhận tin báo, xác minh và truy lùng. Chỉ trong thời gian ngắn, Công an Hương Sơn đã bắt giữ 9 vụ vận chuyển gỗ trái phép với số lượng lớn.

Sau khi tính toán các yêu cầu nghiệp vụ, tối 26/11, chúng tôi được phép cùng tổ trinh sát "nằm vùng" tại thị trấn Phố Châu.

22h, một chiếc xe tải phủ bạt kín xuất hiện gần cầu Phố, CSGT ra tín hiệu dừng. Khi xe đang đi chậm lại, một CSGT bước ra phía trước. Đột ngột, chiếc xe tải tắt phụt đèn, rú ga giật mạnh. Ngay lập tức, chiếc U oát lao lên, ép sát lề đường.

Biết không thể chạy thoát, chiếc xe tải chấp nhận dừng lại nhưng cũng phải một lúc, lái xe mới bước xuống. Phía trong bạt kín, hàng chục thớ gỗ to cỡ hai người ôm.

Đáng nói, chiếc xe này mang biển kiểm soát của Lào nhưng không có bất kỳ một thứ giấy tờ nào liên quan đến xe và gỗ (đây là thủ đoạn của những kẻ buôn gỗ lậu, sử dụng biển kiểm soát giả mang nước bạn Lào hòng che mắt cơ quan chức năng). Theo xác minh ban đầu, số gỗ gồm 23 cây (gần 10m3) được khai thác tại khu vực rừng nguyên sinh Sơn Hồng, Hương Sơn. Lái xe khai chỉ là người lái thuê cho một cán bộ lâm nghiệp.

Đến 3h sáng hôm sau (27/11), chuông điện thoại phòng trực ban Công an huyện lại có tín hiệu, Thượng tá Trần Mạnh Hùng nhận được báo có một xe tải chở đầy gỗ lim đang chạy từ xã Sơn Lĩnh về thị xã Hồng Lĩnh. Chỉ 30 phút sau, chiếc xe tải mang BKS 38H-30… bị Công an bắt giữ với một thùng xe chứa đầy gỗ lim.

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục vào sâu những cánh rừng nguyên sinh ở xã Sơn Kim I, Sơn Kim 2 và Sơn Hồng để tìm hiểu sự sinh tồn của nơi được coi là rừng đặc dụng. Lối vào trơ trọi những gốc cây bị đốn hạ. Nhiều chủng loại gỗ quý hiếm như táu, dổi, kền kền, lim bị lâm tặc khai thác đổ ra bìa rừng, cưa từng khúc dài trên chục mét.

Những chiếc xe bò, công nông… chờ sẵn, kể cả trâu kéo cũng sẵn sang kéo ra QL8A. Một điều hết sức bất ngờ là những phương tiện này hiên ngang chạy giữa ban ngày mà không gặp bất kỳ một sự kiểm soát nào của lực lượng Kiểm lâm.

Thậm chí, gỗ được vận chuyển qua cả sào kiểm soát lâm sản. Nhân viên kiểm soát trạm Rào Mắc (thuộc Công ty Lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn) cho biết: Ngày trước, đây là trạm kiểm soát lâm sản nhưng gần đây đã trở thành kho để gỗ của công ty.

Giữ rừng không thể chỉ tuần tra!

Nhờ sự giúp đỡ của các chiến sỹ Công an, chúng tôi về ngã ba Sơn Lĩnh, nơi nối đường Tây - Lĩnh - Hồng với QL8A để phục kích. Đến khoảng 22h, những chiếc xe reo hàng chục tấn, không mang biển số, không có đèn pha, chỉ duy nhất một chiếc đèn phía trước không khác gì xe máy, rầm rì nối đuôi chở đầy gỗ quý từ giã rừng.

Nhiều lần, những gã lái xe ngang bướng này vượt mặt lực lượng Cảnh sát, lao thẳng về phía trước, bất chấp tín hiệu dừng xe. Đêm 29/11, khi chúng tôi cùng anh em Công an Hương Sơn đi tuần, bất ngờ gặp một chiếc xe chở quá tải nổ lốp nằm lại giữa đường.

Khi tổ công tác yêu cầu xuất trình giấy tờ xe và gỗ  thì lái xe chỉ biết… lắc đầu. Lái xe cũng chỉ là người chở thuê. Trong số đó, có không ít xe reo "3 không" thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn.

Hỏi về sinh thái rừng, ông Nguyễn Huy Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh phân trần: "Trước khi tôi lên, rừng cũng bị phá rồi". Ông Lợi còn cho biết rất rõ, gỗ bị khai thác lậu chủ yếu ở Tiểu khu 46 vì nơi này vừa được UBND tỉnh cắt của doanh nghiệp chuyển cho xã Sơn Kim I nhưng xã và huyện lại chưa giao cho dân.

Theo điều tra của chúng tôi, hiện nay có rất nhiều khu rừng trước  đây thuộc Công ty Lâm nghiệp dịch vụ Hương Sơn, Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4, Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố… quản lý, nay được cắt để chuyển giao cho dân.

Sau khi UBND tỉnh có quyết định cắt và bàn giao cho huyện và xã thì các đơn vị này lại quá chậm trễ trong việc giao lại cho dân nên những lô rừng trên trở nên vô chủ. Vì thế, lâm tặc đã lợi dụng sự sơ hở này móc ngoặc với một số kiểm lâm viên để tàn phá rừng.

Như vậy, căn nguyên của nạn phá rừng đại ngàn ở Hà Tĩnh không phải vì lực lượng kiểm soát mỏng như những báo cáo trình cấp trên. Cũng không phải vì người dân ở đây quá đói kém phải vào rừng dựa dẫm.

Chính vì vậy, Thượng tá Trần Mạnh Hùng cho rằng, giữ rừng phải giữ từ dân, làm sạch cán bộ quản lý, tức là giữ từ gốc cây trong đại ngàn, còn chặn bắt ở quốc lộ chỉ là giải pháp tình thế... 

Đăng Trường
.
.
.