Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật CAND (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND:

Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng

Thứ Năm, 03/04/2014, 16:36
Ngày 3/4, Phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội được tổ chức tại Hà Nội.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự phiên họp. Đồng chí Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp. Dự phiên họp còn có Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban ngành Trung ương.

Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) nêu rõ: Luật Công an nhân dân được Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2006, đã tạo cơ sở pháp lý để lực lượng Công an nhân dân tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu với Đảng, Nhà nước; thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn, xã hội.

Trong gần 8 năm qua, Luật Công an nhân dân đã góp phần quan trọng xây dựng bộ máy, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ; nâng cao vị thế, mở rộng quan hệ quốc tế; góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số quy định của Luật Công an nhân dân đã bộc lộ vướng mắc hoặc chưa đầy đủ như: nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân; cấp bậc hàm, hạn tuổi phục vụ, chế độ chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Việt Hưng.

Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã ban hành nhiều Luật có quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân như: Luật cư trú, Luật tương trợ tư pháp, Luật thi hành án hình sự… đòi hỏi Luật Công an nhân dân năm 2005 phải được sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ thống nhất với các luật nêu trên. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự đòi hỏi phải quán triệt, thể chế hóa bằng các luật, trước hết là Luật Công an nhân dân. Việc xây dựng Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta...

Theo các nghị quyết của Quốc hội, Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được xác định thuộc chương trình các năm 2011, 2012, 2013, 2014. Theo sự phân công của Chính phủ, Ban soạn thảo Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được thành lập do Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng là thành viên. Ban soạn thảo đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Công an nhân dân năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham khảo có chọn lọc pháp luật của một số nước về tổ chức và hoạt động của các cơ quan bảo vệ an ninh trật tự; phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, khảo sát thực tiễn và lấy ý kiến của các bộ, ngành.

Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) gồm 7 chương, 42 điều so với Luật Công an nhân dân năm 2005 không thay đổi về số chương, giảm 1 điều, giữ nguyên nội dung của 12 điều; giữ nội dung cơ bản của 18 điều, tách Điều 4 thành 2 điều (Điều 4 và Điều 14), sửa đổi, bổ sung một số cụm từ, thay đổi số thứ tự của các điều cho phù hợp; sửa đổi, bổ sung cơ bản 13 điều, trong đó nhập các Điều 14, 15, 16 thành Điều 15 và thay đổi số thứ tự của các điều này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công an nhân dân là cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được xây dựng dựa trên quan điểm thể chế hóa, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với Công an nhân dân là lực lượng vũ trang cách mạng, được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Công an nhân dân; quán triệt quan điểm cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta; bảo đảm các các quy định của Luật Công an nhân dân cụ thể, có tính khả thi; đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo…

Cùng ngày, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân

Việt Hưng
.
.
.