Thay chồng mang sách quý tặng Việt Nam

Chủ Nhật, 02/05/2010, 10:01
Chiều 27/4/2010, nhà báo Mỹ Alice Gallasch Kelley, vợ nhà báo Borries Gallasch (người có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975) đã thay chồng có mặt tại Việt Nam để dự lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời khắc lịch sử 11h30' ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, có một nhà báo châu Âu có mặt tại đây, ông là Borries Gallasch. Borries Gallasch đã chụp được những tấm hình lịch sử - xe tăng quân Giải phóng húc đổ cổng rồi tiến vào sân Dinh. Sau đó Borries Gallasch được đi cùng với Chính ủy Bùi Văn Tùng đến Đài Phát thanh Giải phóng, ghi âm lời đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh  và lời chấp nhận đầu hàng của quân Giải phóng.

Số phận đã đưa tôi đến Việt Nam!

Sáng 28/4/2010, nhà quay phim Phạm Việt Tùng "bật mí" cho chúng tôi về sự có mặt của bà Alice Gallasch Kelley tại Việt Nam trong những ngày cả nước đang tưng bừng khí thế kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2010).

Tôi có mặt sớm tại khách sạn Hương Sen trên đường Đồng Khởi, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Lúc này nhà quay phim Phạm Việt Tùng, khách mời của UBND TP Hồ Chí Minh dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày 30/4/1975; nhà báo Nguyễn Hạnh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay cũng đang chờ bà Alice Gallasch Kelley  để cùng đến nhà ông Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203.

Vừa gặp chúng tôi, bà Alice Gallasch Kelley đã hồ hởi: Cả đêm qua tôi không thể ngủ được, nếu không có được sự giúp đỡ của nhà chức trách Việt Nam thì tôi không thể đặt chân đến Việt Nam trong lần này. Bà giải thích: "Vì quá vội để kịp đến Việt Nam trong dịp 30-4 nên từ Mỹ đến sân bay Tân Sơn Nhất, tôi mới hay mình quên xin visa vào Việt Nam".

Bà Alice Gallasch Kelley là người Mỹ, cuối những năm 1960 đang là sinh viên báo chí, bà được sang thực tập tại tờ báo Tấm gương CHLB Đức. Tại đây bà gặp và kết hôn với nhà báo Borries Gallasch. Thời điểm này, phong trào thanh niên châu Âu rất quan tâm đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam, và chồng bà đã phấn đấu trở thành nhà báo để được có mặt ở Việt Nam.

Thời điểm cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã bước vào những ngày tháng sôi động nhất, tháng 4/1975, chính quyền Sài Gòn đang từng bước thất thủ, quân Giải phóng đang đánh trận hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Là người yêu chuộng hoà bình, Gallasch quyết định sang Việt Nam để chứng kiến sự đoàn tụ của hai miền Nam, Bắc, và Borries Gallasch đã trở thành nhà báo châu Âu có mặt tại Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975.

Từ trên ban công Dinh Độc Lập, Borries Gallasch đã chụp được những tấm ảnh đoàn xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng, tiến vào Dinh Độc Lập, rồi hình ảnh chỉ huy chiếc xe cầm cờ giải phóng xông vào cầu thang rồi chạy ra ban công kéo cờ lên. Sau đó Borries Gallasch chứng kiến việc Dương Văn Minh đầu hàng quân Giải phóng và bị Phạm Xuân Thệ cùng một vài chiến sĩ áp giải đến đài phát thanh.

Lúc ấy, B. Gallasch đến bên xe Jeep của Chính ủy Bùi Tùng nói với Chính ủy bằng tiếng Pháp, xin được đi cùng. Chính ủy Tùng đồng ý và B. Gallasch đã đi cùng người sĩ quan chỉ huy đến Đài Phát thanh Sài Gòn. Chính ủy Bùi Tùng nhờ Borries Gallasch sử dụng máy ghi âm của mình ghi lại lời đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và lời chấp nhận đầu hàng của quân giải phóng. Lời ghi âm này được phát trên đài phát thanh Sài Gòn ngay sau đó.

Sau khi trở về Đức, cuộc chiến ở Việt Nam luôn làm ông trăn trở. Rồi ông bắt đầu tập hợp 9 nhà báo quốc tế từng có mặt tại Việt Nam để cùng nhau viết bài phản ảnh và phân tích về cuộc chiến tranh ở Việt Nam vào thời khắc cuộc chiến tranh vừa kết thúc. 4 tháng sau, tháng 9/1975, cuốn "TP Hồ Chí Minh giờ khắc số O" được B.Gallasch tập hợp từ 9 nhà báo quốc tế viết về cuộc chiến của Việt Nam được xuất bản tại Tây Đức. 35 năm sau, cuốn sách này mới được Tạp chí Xưa và Nay dịch và tái bản và phát hành đúng vào dịp 30/4/2010.

Việt Nam là một đất nước thần kỳ

Chuyến xe taxi chở chúng tôi và bà Galasch đỗ xịch gần nhà nguyên Chính ủy Bùi Văn Tùng ở số 17/9 Mê Linh, phường 19, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Lúc này tại nhà ông Bùi Văn Tùng, các phóng viên đài HTV, VTV, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nguyên Tổng hội học sinh, sinh viên Sài Gòn cùng nhiều người thân của ông đã chờ sẵn. Sự xuất hiện của bà Gallasch đã làm vỡ òa không khí trong căn nhà.

Ngồi trên xe lăn, ông Bùi Tùng tuy đã bước sang tuổi 81 nhưng vẫn khỏe mạnh, quắc thước. Tất cả mọi người đứng vây quanh ông Bùi Tùng và bà Gallasch để trò chuyện, đến hơn 20 phút trôi qua mà chẳng ai nhớ đến ghế, bàn hay nước uống như những cuộc gặp gỡ khác. Đến lúc này tôi mới nhận ra trong số người thân của ông Bùi Tùng là những chiến sĩ xe tăng 390 năm xưa, Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn, lái tăng Nguyễn Văn Tập, pháo thủ số 1 Ngô Sĩ Nguyên, pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng cùng các bà vợ, gương mặt họ vẫn rạng rỡ niềm tự hào của những người từng có mặt trên chếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập trong giờ phút cáo chung của chế độ Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Hôm nay họ đến thăm vị Chính ủy từng chỉ huy họ trong những trận đánh thần tốc, họ lại được gặp vợ một nhà báo đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử có một không hai ấy bằng hình ảnh và cả bài viết nên càng phấn khởi.

Bà Gallasch tại gia đình Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203.

Tại nhà ông Bùi Văn Tùng, bà Gallasch cho biết, sau khi về Đức, ông B.Gallasch bị ung thư dạ dày, bác sĩ nói rằng ông ấy chỉ sống được khoảng 5 tháng nữa, nhưng ông ấy đã sống được 5 năm, trong thời gian đó, ông B.Gallasch đã kể cho bà nghe tất cả những kỷ niệm về Việt Nam, về sự có mặt của ông trong thời khắc lịch sử 30/4/1975, về người Chính ủy Bùi Văn Tùng. 

Năm 1981, nhà báo chiến tranh B.Gallasch qua đời, sau đó bà Gallasch đưa cả 5 người con về Mỹ và làm việc cho tờ báo ZDF Germany Television. 17/1/2000, với tư cách là nhà báo, bà tháp tùng đoàn Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam. Tại TP Hồ Chí Minh, đoàn đi thăm Bảo tàng Cách mạng thành phố, bà nhìn thấy bức ảnh chồng bà đang ngồi cạnh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tại đài phát thanh để ghi âm lời đầu hàng của Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của quân giải phóng trong ngày 30/4/1975.

Bức ảnh như níu chân bà lại đến nỗi Tổng thống Bill Clinton cùng mọi người đã rời khỏi phòng trưng bày nhưng bà vẫn lui lại gặp một số nhà báo để hỏi thăm về những nhân vật trong bức ảnh, về ông Chính ủy Bùi Văn Tùng…

Trở về Mỹ, hình ảnh chồng bà trong bức ảnh treo tại Bảo tàng Cách mạng TP Hồ Chí Minh cứ ám ảnh và thôi thúc bà phải trở lại Việt Nam. Bà tìm đến Doug Reese, một cựu  chiến binh của Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam để nhờ ông ta thu xếp, và bà đã trở lại Việt Nam.

Chuyến đi ấy, bà đã gặp ông Bùi Tùng, ân nhân của chồng bà. Bà Gallasch đã tặng lại chiếc máy ghi âm của chồng bà, chiếc máy đã được dùng để ghi âm lời đầu hàng của Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của quân Giải phóng cho ông Bùi Tùng. Cũng từ lần đó, gia đình bà và gia đình Chính ủy Bùi Văn Tùng trở nên thân thiết và họ thường xuyên liên lạc với nhau….

Một giờ sau, cuộc trò chuyện vẫn đang diễn ra thì mọi người phải tạm chia tay vì phải đưa bà Gallasch đến Dinh Độc Lập. Rất nhiều nhà báo xách máy quay phim để tranh thủ tác nghiệp. Bà Gallasch vào trong dinh phấn chấn chạy hết phòng khánh tiết đến phòng trình Quốc thư, sau đó bà dừng lại thật lâu ở phòng trưng bày những hình ảnh ngày 30/4/1975 dưới tầng trệt. Bà lặng người trước tấm hình chồng bà - nhà báo B.Gallasch ngồi cạnh Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh để ghi âm lời chấp nhận đầu hàng.

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng (bên cạnh là phóng viên B.Gallasch đang bật máy ghi âm).

Lúc này, rất nhiều cựu chiến binh ở các tỉnh miền Bắc, họ từng có mặt trong đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn trong ngày 30/4/1975, hôm nay họ lại có mặt ở Dinh Độc Lập để nhớ lại một thời hào hùng của dân tộc và của chính họ.

Nhiều người đề nghị được chụp ảnh chung với bà Gallasch, một vài nhà báo đề nghị phỏng vấn. Bà Gallasch lau vội những giọt nước mắt nói: "Tôi thán phục dân tộc Việt Nam, Việt Nam là một đất nước thần kỳ, người Việt Nam có thể làm hết điều thần kỳ này đến điều thần kỳ khác. Người Mỹ đã gây ra chiến tranh ở Việt Nam, nhưng người Việt Nam rất thân thiện và không thù hận người Mỹ…".

Chúng tôi tạm chia tay bà Gallasch trong cái nắng chói chang của mùa khô Sài Gòn. Ngoài cổng, từng đoàn người vẫn tấp nập vào Dinh không ngớt. Bà Gallasch nói với chúng tôi: "Tôi sẽ đưa các con tôi qua Việt Nam để chúng hiểu Việt Nam…".

Theo bài báo "Sài Gòn 30-4-1975 của Borries Gallasch trong cuốn sách "TP Hồ Chí Minh giờ khắc số O"  thì đúng 11h15' ngày 30/4/1975, Borries Gallasch đã có mặt bên trong Dinh Độc lập. Nguyễn Văn Huyền, Phó Tổng thống của đệ nhất Cộng hòa nói với B.Gallasch: "Chúng tôi đang chờ phái đoàn của Mặt trận Giải phóng vào đây, ngay tại Dinh, anh có thể chờ đợi nếu anh muốn". Còn Tổng thống Dương Văn Minh thì: "Thật là tốt khi anh có mặt ở đây, anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn tôi".

TP Hồ Chí Minh tháng 4/2010.
.
.
.