Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật CAND và Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam

Thứ Ba, 27/08/2013, 00:13
Ngày 26/8, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Quốc hội khóa XIII đã mở phiên họp thường trực uỷ ban mở rộng thẩm tra sơ bộ các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân. Đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo phiên họp. Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Kim Khoa, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Trung tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lương Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan.

Về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Tiểu ban An ninh cơ bản tán thành những quan điểm xây dựng Luật Công an nhân dân (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhưng đề nghị Ban soạn thảo bám sát hơn những nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây về việc sửa đổi Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân để thể chế hoá trong dự thảo Luật, bám sát những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) có liên quan để cụ thể hoá, nhất là liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…, nghiên cứu những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đã được cụ thể hoá trong các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong thời gian qua đã được kiểm nghiệm trên thực tế để đưa vào dự thảo Luật nhằm nâng cao giá trị pháp lý của những quy định này.

Theo đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về chế độ công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân trên cơ sở các quy định của Nghị định số 12/2007/NĐ-CP ngày 11/1/2007 của Chính phủ để xác lập vị trí, địa vị pháp lý của những người này trong Luật, bảo đảm công bằng so với người làm nghĩa vụ quân sự.

Trung tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Tiểu ban An ninh cũng thấy rằng, trong dự thảo có một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ phong, thăng cấp bậc hàm và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến các quy định của Luật tổ chức Chính phủ, Luật An ninh quốc gia, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế… cần được rà soát để vừa đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, vừa tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến Dự án Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Tiểu ban Quốc phòng đã nhất trí với Tờ trình về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn trên một số vấn đề như: xác định bố trí sĩ quan ở đơn vị là doanh nghiệp kinh tế kết hợp với quốc phòng, thẩm quyền quy định chức vụ tương đương với chức vụ cơ bản và cấp quân hàm cao nhất của sĩ quan, thẩm quyền quyết định đối với sĩ quan làm căn cứ sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật. Đề nghị nghiên cứu để thống nhất với Pháp lệnh Cảnh sát biển, Luật Cơ yếu. Đồng thời bảo đảm tương quan giữa các quy định của luật này với Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Mặt khác cần đảm bảo tính lôgíc, chặt chẽ trong một văn bản luật.

Phát biểu kết thúc phiên họp, đồng chí Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân phải tuân thủ tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội

Nguyễn Hương
.
.
.