Tết trên quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn

Thứ Tư, 10/02/2016, 09:35
Làng Bích La (xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) là quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn, một nhà cách mạng tiền bối, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Vào mùa xuân, cái Tết ở vùng đất địa linh nhân kiệt này có những lễ hội truyền thống độc đáo. Người người, nhà nhà đón Tết qua tiếng hát, nụ cười, lời chúc may mắn, bình an…

Sau lễ hội chợ đình, trên các con đường làng Bích La vẫn đông nườm nượp người. Bà con đi chúc Tết, số khác ở những làng quê lân cận, thậm chí xa tận Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, về đây thụ hưởng hương xuân độc đáo của người làng Bích La. Đặc biệt, bà con khăn áo chỉnh tề đi dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân người con kiệt xuất của quê hương - cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, tại khu nhà lưu niệm ở xã Triệu Thành.

Tôi về Bích La những ngày Tết cổ truyền. Khắp nơi đều rộn rã tiếng nói cười của bà con đang cùng nhau đón Tết, vui xuân. Hỏi chuyện Tết nhất ở quê, chị Lê Thị Liễu, phấn khởi cho biết: “Ba năm lại đây, bà con quê tôi ăn Tết to hơn, vui hơn. Đó là nhờ vào sự quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước; sự tạo điều kiện giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể và ngân hàng trong vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình… Đặc biệt, vào ngày mùng 2 Tết hằng năm, Bích La có lễ hội chợ đình không thể nào quên”.

Chị Liễu “khoe” những thành quả đạt được của gia đình: “Cách đây 3 năm, vợ chồng tôi được Chi hội Nông dân thôn Bích La tạo điều kiện cho vay vốn 20 triệu đồng. Cộng với nguồn vốn tích lũy được bấy lâu, chúng tôi đầu tư xây dựng một trang trại chăn nuôi lợn thịt, gà ta khép kín; mở một cửa hàng bán thuốc thú y và thức ăn cho gia súc, gia cầm. 

Các bô lão làng Bích La và Hậu Kiên dâng hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại nhà lưu niệm.

Hàng năm, chúng tôi xuất bán trên 30 tấn lợn thịt, hơn 1.000 con gà giống và trên 2.000 con gà thịt, đồng thời doanh thu bán hàng từ 450-500 triệu đồng; thu lãi ròng tổng cộng trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn thu nhập ổn định nên năm nay vợ chồng tôi đã dành một khoản tiền để cùng với bà con đón Tết, vui xuân, tổ chức lễ hội chợ đình, trò chơi truyền thống dân gian bổ ích”…

Khuya mùng 1 rạng ngày 2 Tết, dưới làn mưa xuân lất phất, đình làng Bích La đã đông nghẹt người. Bà con khăn áo chỉnh tề về đây đi lễ hội chợ đình. Ông Võ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Triệu Đông cho biết, chợ diễn ra chỉ một lần trong năm, từ đêm nay cho đến hết ngày mùng 3 Tết. Các thứ ở chợ do người làng Bích La mang đến dù chỉ một mớ cá tươi, buồng cau vừa hái xuống, mấy tệp trầu xanh vôi trắng hay mấy nắm chè mới hái còn đẫm sương đêm, rồi gạo, dưa, cà, thịt, muối… tất cả đều làm ra từ đồng ruộng hương hỏa của tổ tiên để lại. Ông Bắc bộc bạch: “Người đi chợ là cốt để bán may và mong cho khách mua rẻ, mua may. Đó là lễ cầu may mà chủ ý của người Bích La, chủ ý của người bán là muốn vừa lòng khách, giao đãi thân tình với khách, mong khách biết đến những sản vật của mình và mong năm sau khách trở lại với chợ đình…”.

Sau lễ hội chợ đình, trên các con đường làng Bích La vẫn đông nườm nượp người. Bà con đi chúc Tết, số khác ở những làng quê lân cận, thậm chí xa tận Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, về đây thụ hưởng hương xuân độc đáo của người làng Bích La. Đặc biệt, bà con khăn áo chỉnh tề đi dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân người con kiệt xuất của quê hương - cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, tại khu nhà lưu niệm ở xã Triệu Thành. Đây cũng là quê hương thứ hai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn mà suốt thời kỳ niên thiếu rồi sau này lớn lên tham gia hoạt động cách mạng, đã gắn bó và có những kỷ niệm không thể nào quên.

Thắp nén nhang thơm lên bàn thờ người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, ông Lê Văn Lân (73 tuổi, ở làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành) nhớ lại: “Sinh thời, bác Lê Duẩn đã về thăm quê hương 6 lần. Bác căn dặn người dân sống đoàn kết, yêu thương nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng, phát triển đất nước. Đặc biệt thế hệ trẻ phải biết tiếp thu, kế thừa và phát huy sự tiến bộ của những lớp người đi trước; học tập, rèn luyện để trở thành người tài, người có ích cho xã hội, đất nước”…

Tôi lưu lại làng Bích La mấy ngày. Sau bữa cơm đậm đà hương vị Tết quê, ông Hoàng Ngoãn, một người dân ở Bích La dẫn tôi ra miếu thờ bên phải đình làng, chỉ vào câu đối ghi ở cổng miếu: “Địa chung linh khí truyền thiên cổ/Thế xuất anh tài diễn ức niên”, và giải thích nghĩa của nó: Đất hun đúc khí thiêng toàn vẹn từ nghìn xưa/Đời sinh hào kiệt khi nào cũng có. 

Rồi ông tâm sự: “Làng Bích La được hình thành, phát triển từ cách đây trên 500 năm, với một bề dày truyền thống tốt đẹp. Thời nào làng có nhiều người hiếu học, đỗ đạt. Như ngay tại miếu, có thờ hai vị Tiến sĩ thời Lê, đi theo Cai tri Phó tướng Doãn Lộc Hầu, là Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Lê Cảnh Phiếu. Theo gia phả các tộc họ thì làng còn có nhiều người đỗ đạt tiến sĩ trở lên ở Triều Nguyễn như Tiến sĩ Lê Mậu Cúc, Lê Thụy, Lê Hữu Thường. Riêng tộc họ Lê Văn của cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn, thời đó đã có 5 vị tiến sĩ, gồm Tiến sĩ Lê Vãn Nhượng đỗ khoa Đinh Dậu (1837), Tiến sĩ Lê Vãn Chân đỗ khoa Tân Sửu (1841), Tiến sĩ Lê Vãn Nhiếp đỗ khoa Mậu Tí (Đồng Khánh 3). Khoa cuối cùng của Triều Nguyễn có ông Lê Vãn Tặng, là bác ruột của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đỗ Phó bảng…

Lễ hội chợ đình Bích La không chỉ để du khách "mua may", mà còn tham quan tìm hiểu nét đẹp văn hóa độc đáo của vùng quê này.

Ông Ngoãn cho biết, dịp Tết cổ truyền, các tộc họ trong làng đều tổ chức lễ cúng tưởng nhớ, tri ân công đức của tổ tiên ông bà đối với quê hương đất nước. Qua đó nhắc nhở cháu con kế thừa, phát huy truyền thống hiếu học, không phụ công sức, tấm lòng của lớp cha ông, ngày càng có nhiều người tài đóng góp sức lực, trí tuệ vào sự phát triển của quê hương đất nước. 

Sau lễ cúng, các cháu từ bậc Tiểu học cho tới Đại học, Thạc sĩ có thành tích học tập xuất sắc và Tiến sĩ sẽ được trưởng làng và các trưởng họ đứng lên làm lễ xướng tên trước vong linh tiên tổ tại đình làng, rồi được biểu dương và khen thưởng trước đông đảo người dân tề tựu về đây chứng kiến, chúc mừng cho thành quả học tập… “Lễ sẽ được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết; ước sẽ có khoảng 300 người ược xướng tên!”, ông Ngoãn cho biết thêm.    

Tết cổ truyền cũng là dịp để người làng Bích La thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau; đặc biệt giúp đỡ người già neo đơn không nơi nương tựa, người ốm đau bệnh tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông Võ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Triệu Đông tự hào: “Truyền thống đó có từ rất lâu đời, ban đầu nó xuất phát từ tận đáy lòng của mỗi người dân, về sau như một lẽ tự nhiên của người làng Bích La mà không cần phải ai nhắc nhở hay đứng ra tổ chức, kêu gọi. Trên thực tế, hàng ngày, hàng tháng bà con đều đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn kể trên. Song vào dịp Tết cổ truyền, việc làm này được tổ chức quy mô hơn, thông qua việc tự nguyện đóng góp tiền bạc hay vật chất khác tại đình làng. Sau đó, thôn, xã mời những người cần giúp đỡ đến đây để động viên và trao tặng. Riêng những trường hợp không có điều kiện đi lại được, thì bà con mang quà đến tận nhà...”. 

Xã Triệu Đông hiện có 1.423 hộ dân với 6.323 nhân khẩu, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi gia súc gia cầm; tiểu thủ công và buôn bán nhỏ. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 6 triệu đồng so với năm 2014, là 22,3 triệu đồng/người/năm. Tháng 10 năm 2015, xã Triệu Đông được công nhận đạt chuẩn văn hóa về nông thôn mới, được các cấp chính quyền, ngành chức năng tặng nhiều bằng khen và giấy khen vì thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh tại địa phương...

Phan Thanh Bình
.
.
.