Tăng cường sự ủng hộ, hiểu biết và tin cậy trong hội nhập quốc tế

Thứ Ba, 03/03/2015, 22:20
Tại phiên họp toàn thể Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế ngày 3/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế yêu cầu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa hoạt động hội nhập quốc tế về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng nhằm tăng cường sự ủng hộ, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác.

Theo Thủ tướng, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22, công tác hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Qua hội nhập quốc tế đã tạo được môi trường thuận lợi, ổn định cho phát triển; nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính đáng của Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như các lợi ích chính đáng khác của đất nước.

Trong lĩnh vực kinh tế, hội nhập đã góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu với mức tăng trưởng xuất khẩu hằng năm là 18%, qua đó tạo công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, công tác hội nhập quốc tế vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục, trong đó nổi lên là việc quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết thành kế hoạch của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa cụ thể.

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như vũ bão, cả thế giới là một thị trường, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó lấy hội nhập kinh tế làm trung tâm; chủ động hơn trong tham gia, định hình luật chơi chung nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa hoạt động hội nhập quốc tế về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng nhằm tăng cường sự ủng hộ, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Về kinh tế, tập trung mạnh vào thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phát huy lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để phục vụ cho các mục tiêu phát triển. Tiếp tục triển khai hội nhập sâu rộng, hiệu quả về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục- đào tạo.

Chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết máu thịt giữa đồng bào trong nước với kiều bào ta ở nước ngoài; tranh thủ các nguồn lực từ kiều bào để phục vụ cho mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; thực hiện tốt công tác bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài.

Trong đối ngoại đa phương, Thủ tướng lưu ý cần hết sức chủ động, đề xuất, khởi xướng để xây dựng luật chơi chung theo mẫu số chung, theo thông lệ quốc tế và theo Hiến chương Liên hợp quốc và theo lợi ích của đất nước; tiếp tục chủ động tham gia các điều ước quốc tế, tham gia các hoạt động ở các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc.

Thủ tướng yêu cầu, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế tiếp tục kiện toàn về tổ chức, bộ máy, phấn đấu nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một kế hoạch cụ thể, thiết thực phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao tổng hợp, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chỉ đạo thực hiện hội nhập quốc tế, với tinh thần triển khai hiệu quả hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, sâu rộng hơn nữa hoạt động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Trong năm 2014, hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt kết quả toàn diện trên cả 3 trụ cột quan trọng là: chính trị, an ninh, quốc phòng; kinh tế và khoa giáo, văn xã. Việt Nam đã triển khai hiệu quả hoạt động hội nhập quốc tế về chính trị; các hoạt động quốc phòng đa phương ngày càng đi vào thực chất; các hoạt động đối ngoại đa phương trên lĩnh vực an ninh tiếp tục có những bước tiến cụ thể… Bên cạnh đó, hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nguyễn Thành
.
.
.