Những điểm mới về dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự:

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân

Thứ Năm, 18/06/2015, 10:06
Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự dự kiến bổ sung: Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra...

Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm 10 chương, 75 điều được xây dựng trên cơ sở quán triệt, thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra hình sự, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; Phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự, kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Để bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác điều tra hình sự, quy định về tổ chức, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được điều chỉnh theo hướng, không quy định Trại tạm giam, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; bổ sung quy định về Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (cấp Bộ), Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (cấp tỉnh) là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này làm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong hình hiện nay.

Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tuy đã được thành lập, nhưng do chưa được quy định là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ, không bảo đảm tính kịp thời trong đấu tranh chống loại tội phạm này.

Rất nhiều vụ phạm tội được phát hiện nhưng do lực lượng này không có thẩm quyền điều tra ban đầu như tiến hành khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu nên sau khi báo Cơ quan điều tra để phối hợp thì thời cơ đã qua, tài liệu, chứng cứ đã bị tội phạm che dấu hoặc xóa mất.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, việc quy định trong dự thảo Luật tổ chứ cơ quan điều tra hình sự lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan của lực lượng Cảnh sát được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là rất cần thiết.

Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự dự kiến bổ sung: Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Việc bổ sung quy định Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở những lĩnh vực có tính chất đặc thù như thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán; kinh nghiệm của các nước cho thấy những cơ quan này đều được giao thẩm quyền điều tra. Cùng đó, việc giao cho các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu góp phần giảm tải ở các cơ quan điều tra chuyên trách.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có thẩm quyền, nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Do vậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan mình nhưng lại không được giải quyết mà phải chuyển đến cho cơ quan điều tra để giải quyết sẽ không bảo đảm mục đích của việc quy định quyền hạn điều tra của các cơ quan này là bảo đảm nhanh chóng, kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Để khắc phục những bất cập, dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định.

Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong CAND

Để bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Cơ quan CSĐT và bộ máy giúp việc Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh, cấp huyện, trong dự thảo Luật quy định theo hướng đổi tên Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra thành Cục (Phòng) Cảnh sát quản lý, kiểm tra, hướng dẫn điều tra và quy định về tên gọi của bộ máy giúp việc Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện là Đội điều tra tổng hợp.

Cơ quan CSĐT phối hợp với Viện kiểm sát lấy mẫu giám định tang vật một vụ án.

Quy định này vẫn duy trì bộ máy giúp việc Cơ quan CSĐT và không làm phát sinh đầu mối Cơ quan điều tra. Đối với cơ cấu tổ chức của Cơ quan CSĐT, dự thảo Luật quy định bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (cấp Bộ) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (cấp tỉnh).

Việc bổ sung này là rất cần thiết vì trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm về buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình hiện nay, dự báo trong thời gian tới các tội phạm này tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt nên việc xây dựng cơ quan chuyên trách đủ mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này góp phần bảo vệ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trong nước, bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng là yêu cầu khách quan.         

Thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT cơ bản giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành, chỉnh lý phù hợp với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2014 theo hướng, bảo đảm tính đồng bộ, liên tục trong điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ do cùng một đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội.

Bổ sung thẩm quyền điều tra các tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố của Cơ quan An ninh điều tra. Ngoài ra, để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong trường hợp do yêu cầu chính trị, phải chuyển hướng xử lý đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia về các tội xâm phạm trật tự công cộng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định Cơ quan An ninh điều tra có thẩm quyền tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc trong trường hợp để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.

Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra trong QĐND

Tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra trong QĐND được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Bổ sung thẩm quyền điều tra các tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố cho Cơ quan An ninh điều tra trong QĐND.

Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong QĐND cơ bản giữ như quy định của pháp luật hiện hành, chỉnh lý bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, liên tục trong điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ do cùng một đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội.

Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐT của Viện KSND Tối cao

Quy định cụ thể Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao là Cục Điều tra hình sự gồm có các phòng điều tra và bộ máy giúp việc; Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương là Phòng điều tra gồm có bộ phận điều tra và bộ máy giúp việc.

Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao quy định cụ thể hơn theo hướng chỉ rõ từng tội danh trong nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền điều tra của các cơ quan này và chỉ rõ những cơ quan tư pháp; đồng thời, chỉnh lý bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức Viện KSND (sửa đổi) theo hướng, bảo đảm tính đồng bộ, liên tục trong điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ do cùng một đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội.

Theo đó, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Quân sự Trung ương không được độc lập tiến hành điều tra các vụ án về tham nhũng, chức vụ; khi tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội xâm phạm hoạt động tư pháp, người phạm tội là cán bộ, công chức tư pháp mà phát hiện người đó còn phạm tội về tham nhũng, chức vụ thì được khởi tố, điều tra.

Quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra

Bổ sung quy định để bảo đảm quan hệ phối hợp, kiểm soát giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra hình sự theo nguyên tắc:“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Quy định về quan hệ giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát trong điều tra hình sự và quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Công an, Quân đội các cấp đối với hoạt động điều tra hình sự để xác định rõ mối quan hệ giữa hoạt động điều tra theo tố tụng và hoạt động trinh sát; phân định rõ thẩm quyền hành chính và tố tụng trong hoạt động chỉ đạo Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

Quy định về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an trong hoạt động điều tra hình sự theo hướng phân biệt  rõ trách nhiệm của Công an xã, của Công an phường, thị trấn, đồn Công an phù hợp với hoạt động phục vụ công tác điều tra, cũng như trình độ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Công an cấp cơ sở.

Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và cán bộ điều tra

Ngoài Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, dự thảo luật bổ sung chức danh Cán bộ điều tra là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực điều tra hình sự, giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự. Bổ sung quy định về nhiệm kỳ của Điều tra viên theo hướng kéo dài thời hạn trong trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng bậc là mười năm.

Bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ của Điều tra viên theo hướng kéo dài cho những người có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp, tính thống nhất với Bộ luật Lao động, Luật Công an nhân dân năm 2014, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014.

Trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác điều tra hình sự

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 do chưa có quy định về thống nhất quản lý đối với công tác điều tra hình sự, dự thảo Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý về công tác điều tra hình sự, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý về công tác điều tra hình sự.

Bộ Công an chỉ thực hiện quản lý chung gồm các nhiệm vụ: ban hành theo thẩm quyền và đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về điều tra hình sự, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ điều tra hình sự khi có yêu cầu; sơ kết, tổng kết, thống kê, báo cáo cấp có thẩm quyền về hoạt động điều tra hình sự.

Đối với các công tác quản lý nhà nước như thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm trong hoạt động điều tra hình sự, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra hình sự, quản lý, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Trợ lý điều tra… thì của Bộ, ngành nào do bộ, ngành đó thực hiện theo thẩm quyền.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định cụ thể về một số hành vi bị nghiêm cấm cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, trên tinh thần tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự.

Thiếu tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh - (Cục trưởng V19 Bộ Công an)
.
.
.