TW Hội Nông dân có trách nhiệm bảo vệ nông dân trước việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại

Thứ Ba, 10/12/2013, 09:55
Như Báo CAND đã từng kiến nghị Hội Nông dân sẽ là tổ chức đại diện cho quyền lợi của những người dân bị thiệt hại do xả lũ, ngày 9/12, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban với 12 Hội Nông dân các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, diễn ra tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Tại buổi giao ban này, nhiều đại diện Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung đã kiến nghị với Trung ương Hội Nông dân những việc như sau: Trung ương Hội cần xây dựng một quỹ an sinh xã hội; nâng cao đề án đào tạo nghề lao động cho nông dân...

Trong đó nóng nhất là việc kiến nghị xử lý đối với các thủy điện xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho nông dân trong đợt bão lũ vừa qua. Các đại diện yêu cầu Trung ương Hội Nông dân cần vào cuộc lên tiếng nói chung đối với các chủ đầu tư thủy điện để giải quyết tình trạng xả lũ tùy tiện, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân.

Ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, kiến nghị: “Không riêng gì tại Quảng Nam, mà vấn đề thủy điện lâu nay có khái niệm rất nóng tất cả nhiều nơi. Thật ra, thủy điện ảnh hưởng môi trường rất lớn, nhưng việc này đã nói đi, nói lại tại Quảng Nam rất gay gắt và quyết liệt, nhưng “các ảnh” (thủy điện-PV) lúc nào cũng nói xả đúng quy trình. Đúng quy trình là đúng với “ảnh”, chứ có đúng với dân đâu. Vì sao các thủy điện không chịu tích nước nhẹ nhàng vào mùa mưa mà lại đi tích đầy nước, cho đến khi có mưa lớn các “ảnh” đua nhau xả, “nước dập nước, lũ dập lũ”, đồng bằng bị nhấn chìm ngập trong nước tạo nên vấn đề rất bức xúc, ảnh hưởng đến nông dân trên địa bàn. Nên Trung ương Hội cần có tiếng nói, nghiên cứu, chứ hiện nay vấn đề này rất nóng, vừa rồi Quốc hội nói nhiều, nhưng vẫn nói vòng quanh với nhau thì không được…”.

Buổi giao ban của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Bên lề giao ban, phóng viên báo chí đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, xung quanh vấn đề thủy điện xả lũ. Ông Lượng thẳng thắn: “Không riêng gì các tỉnh, thành phố của khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà có thể nói, các địa phương khác, hiện nay có nhiều dự án thủy điện đang gây lo lắng cho nông dân. Vừa qua Quốc hội cũng đã đặt nhiều vấn đề này rồi. Thực trạng nhất là ở dưới cơ sở, nhất là các cấp Hội Nông dân ở gần nông dân hết sức lo lắng, vì lo cho đời sống bà con nông dân. Tôi ví dụ, những công trình thủy điện là phải khai thác rừng mới làm thủy điện được, còn người dân chuyển đến nơi tái định cư ở. Các khu tái định cư phải bắt buộc bằng hoặc hơn nơi cũ, nhưng hiện nay nhiều khu tái định cư của các thủy điện chưa hoàn thiện và chưa bằng nơi ở cũ, người nông dân chưa có đất sản xuất. Người dân tái định cư chỉ cần có đất nông nghiệp sản xuất nhằm có cái ăn tại chỗ, chứ chưa nói đến làm giàu. Đối với Trung ương Hội Nông dân đã có nhiều ý kiến, có đề án đất nông nghiệp để chuyển đổi làm thủy điện, tác động ảnh hưởng đến đời sống nông dân ở vùng có thủy điện, tổ chức Hội, phong trào Hội ở đó như thế nào… Tôi cũng đề nghị với các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ cần rà soát lại rất kỹ, những nơi nào cần thiết, đủ điều kiện, có lợi làm mới thủy điện thì làm, còn không hãy loại ra tránh gây lo lắng cho dân”.

Vậy, nếu người dân vùng bị ảnh hưởng muốn khởi kiện chủ đầu tư thủy điện xả lũ gây thiệt hại, Trung ương Hội Nông dân có đứng ra giúp nông dân, hay bảo lãnh nông dân kiện hay không? Ông Nguyễn Duy Lượng xác nhận: “Chúng tôi đã nhận một số đơn của nông dân, và đã chuyển về cho các cấp Hội xem xét giải quyết, còn những vấn đề nào vượt cấp không giải quyết được thì chuyển về cho chúng tôi. Trung ương Hội sẽ có trách nhiệm với nông dân trong việc này. Vì, Trung ương Hội có một trung tâm tư vấn pháp luật cho nông dân miễn phí, kể cả lưu động, những nơi nào tập trung điểm nóng. Ngoài ra, Trung ương Hội Nông dân còn phối hợp với Công ty Luật Hồng Bách tư vấn miễn phí cho nông dân để báo cáo lại cho Đảng, Nhà nước biết…”

An Khang
.
.
.