TW Hội CCB Việt Nam gặp mặt các Anh hùng là lính Cụ Hồ

Thứ Hai, 27/12/2010, 11:49
Trước ngày Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VIII, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp mặt các Anh hùng qua các thời kỳ là lính Cụ Hồ. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tham dự buổi gặp mặt.

Tên tuổi các Anh hùng trong cuộc gặp mặt hôm nay đã đi vào sử sách. Anh hùng La Văn Cầu 60 năm sau trận đánh lịch sử đồn Đông Khê, vẫn tự rèn cho mình tác phong người lính và độ bền sức khỏe trước sự hà khắc tuổi tác. Nắm chặt tay Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Anh hùng La Văn Cầu nói rằng, chạm tuổi 80, thêm một mùa xuân là mình về gần với đất hơn, nhưng sự gương mẫu của một cựu chiến binh, một Anh hùng phải luôn chuẩn mực. Vị Anh hùng đi vào lịch sử với hành động nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị nát trong trận đánh Đông Khê để vùng lên tấn công lô cốt địch, nay mỗi lần hội ngộ cựu chiến binh, ông lại nghẹn ngào: "Trong giây phút đó, tự nhiên bao nhiêu hình ảnh về gia đình, quê hương như một cuộn phim hiện lên trong đầu tôi".

Với Anh hùng Phạm Tuân, người đã lập nên hai kỷ lục: phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên bắn rơi B52 và cũng là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, nay nghỉ công tác hai năm nhưng đó lại là sự khởi đầu cho những dự tính mới.

Ông chia sẻ: "Vẫn còn rất nhiều nơi trên đất nước mình chưa đặt chân đến, nhiều nơi đồng bào còn khó khăn, mình cần đến để tìm hiểu, sẻ chia, giúp đỡ". Nghe những gì ông nói, tôi thêm thấu hiểu, khoảng không vũ trụ mà phi công Phạm Tuân chinh phục được là kỳ tích, nhưng tâm tư giữa sự lớn lao và điều bình dị trong con người ông hòa quyện không thể tách rời. Phải chăng, giá trị trong cốt cách Anh hùng của người Việt là ở chỗ đó. Hiện, ông là người Việt Nam duy nhất ba lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động và Anh hùng Liên Xô.

Gặp lại Anh hùng Lê Mã Lương, cùng những trăn trở của ông trong cuộc sống hôm nay. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay là trẻ con không còn lang thang và cơ nhỡ, bớt đi những nỗi đau của những gia đình có con em bị nhiễm chất độc da cam. "Khi nhìn vào những đứa trẻ như vậy, tôi không cầm lòng được vì chúng tôi đã từng trải qua những trận bị thả chất độc da cam" - ông chia sẻ.

Nói về ông, vị Anh hùng được tôn vinh khi mới 21 tuổi, người ta nhớ đến câu nói nổi tiếng "Cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận đánh quân thù". Gặp mặt hôm nay, ông chia sẻ: Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo của thế giới, vì vậy, ngày nay cần hiểu "Cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận xóa nghèo nàn, lạc hậu".

Khi bước ra sảnh chụp ảnh cùng Thượng tướng Lê Khả Phiêu, ông nói với một nhà báo rằng, xưa anh hùng trong chiến đấu, còn bây giờ xóa được đói, giảm được nghèo, điều đó đang trông đợi những anh hùng lao động, và rộng hơn, trông đợi những con người lao động với những tố chất đáng quý.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chụp ảnh lưu niệm với các Anh hùng.

Quả như tâm tư của Anh hùng Lê Mã Lương, cuộc sống hôm nay cần những điển hình trên mặt trận lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Sự hiện diện của Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc Công ty Sân golf Long Thành đã chứng minh điều đó. Vẫn cốt cách bình dị, như cách nói của một người bạn hữu thời sinh viên Đại học Thủy Lợi của ông: "Tôi biết thêm một yếu tố đã tạo nên sự thành công của anh, không chỉ là sự thành công về mặt nghề nghiệp, mà là sự thành công về mặt tinh thần, anh luôn hướng về những người bạn, về cộng đồng. Anh Kiểm là một cựu sinh viên khóa 6 thành đạt với những bước tiến rất xa nhưng lại rất gần chúng tôi, đấy là đặc điểm rất quý". 

Anh hùng Lê Văn Kiểm được cộng đồng biết đến với hàm ý "sứ giả của lòng từ thiện", nó cho thấy tính nhân văn, nhân ái của ông là điểm đến không ranh giới và có sức sống lâu bền. Hôm nay, cuộc gặp mặt các Anh hùng điển hình qua các thời kỳ lịch sử, không có nhiều thời gian cho báo chí trò chuyện, nhưng chúng tôi hiểu những điều ông đang hướng tới: tính cộng đồng.

Tôi nhớ một sinh viên Đại học Thủy Lợi, viết trong blog đề tên Phạm Giang sau khi chứng kiến buổi giao lưu của ông Lê Văn Kiểm với cán bộ, sinh viên nhân 50 năm thành lập trường. Bloger Phạm Giang bày tỏ như sau: "Một người luôn làm cho mọi người phải chú ý, đi đâu cũng được khen ngợi. Luôn đem lại niềm vui cho những người còn khó khăn. Một con người thành công trong nhiều lĩnh vực… Liệu đó có phải đại gia, doanh nhân hay một nhà từ thiện? Nói thế nào thì vẫn là đúng bởi đơn giản đó là một Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Ông là Anh hùng Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc Công ty Sân golf Long Thành, cựu sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi. Ông là thần tượng, là người anh, người chú gần gũi, bình dị với chúng tôi khi tiếp xúc, trò chuyện". 

Trong cuốn sách mới xuất bản giữa năm nay có tên "Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, đường đi và đích đến" ghi nhận: một chiến sĩ của thời bình vươn lên từ những thất bại và trở thành một doanh nhân nổi tiếng. Mỗi trang sách đều tỏa sáng những phẩm chất của một người lính Cụ Hồ luôn vượt qua mọi gian khó để thành công. Anh hùng Lê Văn Kiểm cũng là người đồng hành thân thuộc của Báo CAND trên các nẻo đường từ thiện.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thực sự xúc động trong cuộc gặp gỡ nồng ấm và tôn vinh giá trị sâu sắc. Nguyên Tổng Bí thư khẳng định, cựu chiến binh trong giai đoạn hiện nay vẫn luôn chứng tỏ vai trò to lớn của mình không chỉ trên mặt trận chính trị, tư tưởng mà cả trong lĩnh vực lao động, sản xuất. Tố chất người lính Bộ đội Cụ Hồ trong hoàn cảnh nào cũng thể hiện đúng giá trị

Đ.Trường - A.Hiếu
.
.
.