Chỉnh đốn Đảng để Đảng mạnh lên

Chủ Nhật, 03/02/2019, 06:32
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Theo Người, chỉnh đốn Đảng là làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, làm cho Đảng ta xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo sự nghiệp cách mạng to lớn của giai cấp và dân tộc.


Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đối với vận mệnh, sự sống còn của Đảng và chế độ.

Quán triệt tư tưởng, quan điểm chỉ đạo đó, Đảng ta luôn luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, mang tính chiến lược. Năm 2018, Đảng ta tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ, với nhiều kết quả quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc xảy ra từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xem xét, bàn bạc nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.

Theo báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ: Cơ quan điều tra của lực lượng Công an nhân dân đã và đang thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng (tăng 26,8% vụ, 15,6% bị can so với năm 2017); Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 245 vụ, 585 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Điển hình là các vụ: Vụ án Vũ Quốc Hảo; vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương;...

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, đã có 56 người đứng đầu các cơ quan, đơn vị bị xử lý hoặc đang được xem xét, xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự, 45 người bị xử lý kỷ luật và 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Trong năm 2018, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 11 kỳ họp, kết luận 8 tổ chức đảng và 49 cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Trong số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật có một số cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Đó là điều đau xót đối với Đảng ta và với mỗi người cán bộ, đảng viên chân chính.

Song, dù đau xót nhưng chúng ta vẫn phải làm với phương châm “trị bệnh cứu người”, để giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quan điểm: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào”. Người xem tham ô, tham nhũng như cái “ung nhọt” trong cơ thể của Đảng, vì vậy “dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, suy thoái trong nội bộ đã tạo sức mạnh mới thật sự của Đảng và cả hệ thống chính trị. Việc xử lý quyết liệt, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người vi phạm là ai, đã góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã giúp Đảng ta tinh lọc đội ngũ cán bộ, loại bỏ những phần tử tha hóa, biến chất, để Đảng ta ngày càng mạnh hơn, có sức chiến đấu cao hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với nhân dân mật thiết hơn, từ đó thúc đẩy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị mà Tổ quốc và Nhân dân đã giao cho. Việc khai trừ Đảng đối với các ông Đinh La Thăng, Trần Văn Minh, Chu Hảo, Trần Bắc Hà... là việc cần làm để giữ vững kỷ cương của Đảng.

Kỷ luật nghiêm minh không chỉ nhằm loại bỏ những phần tử đã suy thoái, biến chất, mà còn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, suy thoái trong Đảng.

Thực tế, trước sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nghiêm minh của các cơ quan bảo vệ pháp luật; cùng với sự đồng tình ủng hộ và tích cực phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng của nhân dân, sự đóng góp có hiệu quả của các cơ quan báo chí trong việc phát hiện, đưa ra trước công luận nhiều vụ việc sai phạm... những kẻ suy thoái, tham nhũng đã phải dè chừng, e ngại, không dám hành động trắng trợn, không còn công khai thách thức dư luận, phô trương giàu có, ăn chơi xa xỉ như trước... Các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực đã có chiều hướng được ngăn chặn. Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng cũng đã có tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội.

Các cơ quan Nhà nước đã có nhiều cải cách hành chính, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, các biểu hiện cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu nhân dân đã giảm nhiều; trong các bệnh viện, đội ngũ y, bác sĩ chú trọng nâng cao y đức, phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn; các trường học cũng đã chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích trong thi cử... Rõ ràng, nhân dân đã hài lòng hơn trước về chất lượng và tinh thần phục vụ của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, suy thoái còn góp phần tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Dự báo, đến cuối năm, chúng ta có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức...

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Những kết quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã tạo được dấu ấn tốt, có sức lan tỏa rộng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; không khí dân chủ trong Đảng và trong xã hội ngày càng được phát huy; sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển với triển vọng tốt đẹp. Tuy nhiên, đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, phức tạp hơn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhưng, với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, sự đồng tình ủng hộ của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ tiếp tục giành được thắng lợi mới, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. Một khi nhân dân đã đặt trọn niềm tin vào Đảng, đó chính là cội nguồn sức mạnh để xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

PGS, TS Trần Quang Tám
.
.
.