Sửa đổi Luật Thuế xuất, thuế nhập khẩu: Lo chuyện bịt trước hở sau
Những nội dung sửa đổi chủ yếu của dự thảo Luật sửa đổi lần này gồm 4 nhóm vấn đề chính.
Đó là nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước, trong đó có bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các Pháp lệnh liên quan; sửa đổi về khung thuế suất theo các hiệp định quốc tế đã ký kết; sửa đổi, bổ sung những quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy mạnh xã hội hóa.
Thứ hai là sửa đổi bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế hiện hành. Thứ ba là sửa đổi để phù hợp các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Thứ tư là nhóm vấn đề nhằm tạo đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế.
Liên quan 4 vấn đề trên, nhiều quy định về miễn, giảm thuế được cân nhắc rút bỏ hoặc thêm vào.
Chẳng hạn, dự luật sửa đổi quy định hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới. Cơ quan quản lý cho rằng, để minh bạch, nâng cao tính pháp lý, hạn chế gian lận thương mại, dự luật sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng bỏ Điều 7 của luật hiện hành (Điều 7 quy định: Chính phủ quy định việc áp dụng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới phù hợp với từng thời kỳ).
Thực tế, việc để xảy ra hành vi lợi dụng chính sách miễn thuế để trục lợi là do chính sách chưa quy định đầy đủ đối với phần hàng hóa cư dân không sử dụng phục vụ cho đời sống và sản xuất của mình nên xảy ra tình trạng lợi dụng để thu gom hàng hoá được miễn thuế đem vào nội địa, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Từ quy định của Điều 7 trong Luật thuế xuất, nhập khẩu hiện hành nên Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 254/2005/QĐ-TTg, cho phép cư dân biên giới được miễn thuế lượng hàng hóa trị giá 2 triệu đồng/ngày. Chính sách này ra đời nhằm mục đích giúp cư dân biên giới có điều kiện cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, khi áp dụng, cái khó nhất là việc xác định trị giá bởi hiện nay chưa có văn bản nào quy định về quản lý trị giá đối với hàng cư dân biên giới, trong khi việc khai báo của cư dân luôn thấp hơn so với thực tế.
Có hàng nghìn mặt hàng, việc thẩm định trị giá tiền hàng rất khó để xác định lô hàng nào có vượt quá 2 triệu đồng hay không nên cư dân tự khai giá là chính. Đồng thời, việc cho phép miễn thuế như vậy khiến các đầu nậu buôn lậu thuê cư dân biên giới mang vác hàng để tập kết, mỗi ngày số lượng hàng không quá 2 triệu đồng/người để tránh “chạm vạch” vi phạm.
Dự luật bỏ quy định tại Điều 7 nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng lách luật nói trên. Tuy nhiên, nếu bỏ hẳn mà không có điều luật khác bổ sung, thay thế sẽ không đảm bảo vấn đề an sinh, đó là khiến cuộc sống cư dân biên giới khó khăn khi bị cắt mất “cần câu cơm”. Do đó, nhiều chuyên gia đề nghị song song việc bỏ Điều 7 thì sửa đổi, bổ sung quy định miễn thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới để phục vụ trực tiếp cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới trong định mức và mặt hàng theo quy định của Chính phủ.
Để ngăn chặn có hiệu quả hàng lậu lách luật, cần có quy định ưu đãi hàng cư dân biên giới trong dự thảo Luật Hải quan sửa đổi nhằm cụ thể hóa tính pháp lý và đồng bộ với các văn bản pháp luật. Các nhóm mặt hàng không thiết yếu thì phải loại khỏi danh mục miễn thuế, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng.
Một điểm nữa, việc quy định miễn thuế đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng. Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành quy định miễn thuế nhập khẩu hàng hoá là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại trong định mức do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Chống thất thu thuế từ hàng hóa xuất, nhập khẩu bắt đầu từ việc sửa luật. |
Triển khai quy định trên, Bộ Tài chính đã có các Thông tư hướng dẫn: Hàng hoá là quà biếu, quà tặng có trị giá vượt quá định mức miễn thuế phải nộp thuế đối với phần vượt, trừ các trường hợp đơn vị nhận hàng quà biếu, quà tặng là cơ quan hành chính sự nghiệp công, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội được cơ quan chủ quản cấp trên cho phép tiếp nhận; hàng hoá là quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện. Việc đưa ra quy định này phù hợp thực tiễn nhưng lâu nay lại bị lạm dụng, đó là không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa hàng hóa quà biếu, quà tặng để nhập hàng trốn thuế.
Để minh bạch, nâng cao tính pháp lý, dự luật đề nghị bổ sung quy định: Hàng hoá là quà biếu, quà tặng có trị giá vượt quá định mức miễn thuế phải nộp thuế đối với phần vượt, trừ các trường hợp đơn vị nhận hàng quà biếu, quà tặng là cơ quan hành chính sự nghiệp công, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, cơ quan chủ quản cấp trên cho phép tiếp nhận. Bổ sung hàng hoá là quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện vào dự thảo luật. Tuy nhiên, khái niệm “vì mục đích nhân đạo, từ thiện” không dễ rạch ròi, khi áp dụng lại có thể bị lạm dụng để trục lợi cá nhân.
Kiểm soát hàng hóa tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập là vấn đề nóng, từng được “mổ xẻ” tại Quốc hội. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ lo ngại về việc miễn thuế với những mặt hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập bởi trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật, trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước...
Dự luật mới đề cập sửa đổi vấn đề này, tuy nhiên theo nhiều ý kiến, cần phải có đánh giá đầy đủ hơn để “bắt mạch đúng bệnh”, nếu không khó bịt lỗ hổng.