Sớm báo cáo Phó Thủ tướng về thời điểm điều chỉnh giá điện 2017
Ngày 10-1, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có văn bản truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2017, Bộ Công Thương bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, điều hành giá bán xăng dầu trong nước phù hợp kết hợp với sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu làm cơ sở cho các bộ, ngành điều hành giá các mặt hàng khác theo thẩm quyền; chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ khung giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở tính toán thông số đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất, kinh doanh điện để khuyến khích tiết kiệm và thu hút đầu tư; đồng thời tính toán thời điểm điều chỉnh giá điện hợp lý, sớm báo cáo Phó Thủ tướng để chỉ đạo quyết định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính sớm quyết toán, tính toán phương án tài chính các dự án sử dụng vốn BOT, ưu tiên việc giảm phí hơn thời gian thu hồi vốn, cố gắng giảm đều cho tất cả đối tượng tiêu dùng cùng được hưởng; đẩy mạnh tăng cường vận tải đa phương thức để giảm cước hàng hóa lưu thông, kiểm soát chặt giá dịch vụ tại cảng hàng không.
Về giá cước vận tải, Bộ GTVT chỉ đạo các Sở GTVT giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của đơn vị kinh doanh vận tải; thực hiện kiểm soát giá nhất là trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất, điều hành linh hoạt tỉ giá, phấn đấu giữ lạm phát cơ bản trong khoảng 2%.
Trên cơ sở tính toán cung cầu điện năm 2017, với dự kiến nhu cầu công suất lớn nhất toàn hệ thống có thể đạt 32.340 MW, tăng 12,25% so với 2016, điện thương phẩm tăng trưởng 11,5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định hệ thống điện đảm bảo cung ứng nhu cầu. Tuy nhiên, việc cấp điện vẫn còn nhiều thách thức.
Đáng chú ý, lãnh đạo EVN cho biết: Một số yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành như biến động tỷ giá, gía than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường tăng từ tháng 12/2016, giá than tiếp tục tăng 7%...
Theo ông Đặng Hoàng An –Tổng Giám đốc EVN, riêng việc giá than tăng dự kiến sẽ làm chi phí của EVN đội lên hơn 4.692 tỷ đồng. Đây sẽ là một yếu tố tác động tiêu cực đến giá điện trong năm tới.