Sổ định danh cá nhân là bước đột phá

Thứ Năm, 19/06/2014, 16:43
“Tôi cho thẻ căn cước công dân là một tiến bộ, vì đất nước Việt Nam với trên 90 triệu dân, quan điểm chung là phải xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, trong đó số định danh cá nhân là bước đột phá” - đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) trả lời bên lề Quốc hội sáng nay.

Đại biểu nói: Kỳ này Quốc hội mới cho ý kiến lần đầu về luật thẻ căn cước công dân, chắc chắn qua thảo luận của ĐBQH dự thảo luật sẽ còn phải điều chỉnh. Nhưng quan điểm chung là phải xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, trong đó số định danh cá nhân là bước đột phá để chúng ta tiến tới quản lý công dân bài bản, theo quy trình từ khi con người sinh ra đến khi con người mất đi.

- Thảo luận tại hội trường, có ý kiến băn khoăn về việc đổi CMND 9 số lên 12 số. Quan điểm ông thế nào?

Để làm được thẻ căn cước công dân thì số CMND 9 số hiện nay phải nâng lên thành 12 số thì mới bảo đảm được dãy số tự nhiên để quản lý được 90 triệu dân sau này là 125 triệu dân khi đạt cực thịnh như dự đoán của chúng ta. Hiện nay, Chính phủ đang cho thí điểm làm CMND 12 số ở 5 tỉnh thành. Trong dự thảo luật thẻ căn cước công dân cũng nêu rõ, giai đoạn để hoàn tất làm thẻ căn cước công dân là từ nay đến năm 2020. Từ nay đến đó, vẫn sẽ tiến hành song song, ai có số CMND 9 số thì vẫn dùng, còn ai muốn đổi sang 12 số thì vẫn được. 

- Gọi thẻ căn cước hay gọi CMND thì hợp, thưa ông?

Bản chất của thẻ căn cước công dân cũng giống như CMND hiện nay. Chỉ là khác cách gọi.

- Dự kiến từ 1/1/2016 đã áp dụng thẻ căn cước công dân. Việc đổi sang 12 số có nên đợi đến thời điểm đó?

Vấn đề này thì Ủy ban quốc phòng an ninh của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm của mình, có văn bản đề nghị tạm dừng thí điểm CMND 12 số đợi luật thẻ căn cước công dân. Xã hội, ĐBQH cũng có luồng suy nghĩ như thế.  Song thực ra, ta đang thí điểm CMND 12 số, là dự án trước đây khi chưa có nghiên cứu về luật thẻ căn cước công dân.  Vì vậy, theo tôi được biết Bộ Công an cũng đang cân nhắc điều này. Hiện đang làm thí điểm nên đang nghiên cứu, nhất là sau khi Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về Luật thẻ căn cước công dân.

Đại biểu Vũ Chí Thực khẳng định, cấp CMND 12 số là phù hợp.

- Có ý kiến đề nghị lùi thời hạn áp dụng thẻ căn cước công dân vì lo ngại từ 1/1/2016 thì chưa thể bảo đảm điều kiện về hạ tầng cơ sở cũng như các vấn đề khác để làm. Ông thấy sao?

Toàn bộ khả năng dữ liệu gốc của công dân dù chưa thực sự hoàn chỉnh, chưa đi vào hệ thống tích hợp tốt nhưng các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là ngành công an, tư pháp đều đã  quản lý được rồi. Kho dữ liệu là có rồi, vì dụ ngành công an chúng tôi, để cấp một giấy CMND hay tờ khai hộ khẩu thì  đã thực hiện 46 cột mục của người đó rồi. Chỉ có điều bây giờ chúng ta phải thực hiện tích hợp lại cho  gọn gàng, đưa vào thành hệ thống cho tốt thôi.

- Hiện dự án Luật Hộ tịch cũng bị cho là có sự chồng chéo với dự án Luật Căn cước. Ta có nên gộp dự Luật Hộ tịch vào Luật Căn cước, nếu gộp thì ai quản lý?

Như hiện nay thì cơ quan Công an nắm là đầy đủ nhất. Tôi thiên về hướng cả 3 luật: thẻ căn cước công dân, hộ tịch, cư trú nên nhập làm một. Sau đó các Nghị định sẽ phân theo nhánh là tốt nhất, bảo đảm không chồng chéo gì cả. Còn nếu để 3 nhánh thì có sự chồng lấn về quyền lực chỗ nọ chỗ kia, chưa chắc đã tốt. Tách thành luật chuyên ngành cũng được nhưng tôi cho rằng không phải cái gì cũng tách thành luật chuyên ngành được. Vì có những vấn đề không thể quy định hết trong luật. Nếu sợ quy định trong luật sẽ thiếu thì tốt nhất để Nghị định phân nhánh, vì dụ nếu 1 luật nhiều vấn đề như vậy thì sau Nghị định sẽ nêu rõ, thẻ căn cước giao cho ông này làm, hộ tịch giao cho ông khác. Như vậy thì sẽ bảo đảm không có chồng chéo nếu phân thành 3 luật như vậy.

- Việc cấp CMND công nghệ mới với CMND hiện hành có thay đổi giá trị gì không?

CMND 9 số, 12 số hay thẻ căn cước công dân đều có giá trị như nhau. Kể cả bây giờ khi làm CMND 12 số thì mục tiêu là cấp cho những người đến tuổi làm CMND và những người có nhu cầu cấp đổi, không bắt buộc mọi người phải đi làm mới khi CMND cũ vẫn đang còn hạn sử dụng. Đúng là hiện nay đang có một vài vướng mắc liên quan đến CMND 9 số. Khi người dân đi giao dịch tại các ngân hàng, văn phòng nhà đất hoặc các cơ quan khác, do các đơn vị này lưu số CMND cũ vào cơ sở dữ liệu của họ nên người dân trình CMND 12 số thì không được xác nhận. Bộ Công an đã có thông báo gửi các bộ ngành, ngân hàng và các cơ quan khác... khẳng định CMND 12 số và CMND 9 số đều có giá trị pháp lý như nhau.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân. Các ý kiến phân tích những cải tiến hiện đại được trình bày trong dự luật như: Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Theo đó, Điều 18 dự thảo Luật quy định về nội dung của thẻ căn cước công dân gồm các thông tin cơ bản như: Ảnh của người được cấp thẻ; thời hạn sử dụng của thẻ căn cước công dân; số định danh cá nhân; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ. Đặc biệt, trên thẻ còn có bộ phận điện tử lưu trữ một số thông tin cơ bản về căn cước và thông tin khác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được cấp thẻ...

Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng nhận về căn cước, số định danh cá nhân, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi đăng ký thường trú, quốc tịch Việt Nam của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Đ.Minh
.
.
.