Siết chặt kiểm tra việc thành lập trường, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ

Thứ Năm, 12/09/2013, 13:30
Ngày 11/9, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc phân cấp quản lý bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác này cũng còn có những hạn chế: những sai sót, vi phạm quy chế chậm được phát hiện và xử lý, các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đủ mạnh hoặc xử lý sau thanh tra chưa kiên quyết và không đủ tính răn đe để chấm dứt các sai phạm. Việc chấp hành kỷ cương pháp luật trong giáo dục đại học ở nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa nghiêm dẫn tới nhiều sai phạm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT cần có đánh giá nhìn lại đầu vào của giáo dục đại học 3 năm qua cả số lượng và chất lượng, trong đó làm rõ điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên có tăng hay không? Tổng thể giải pháp đảm bảo chất lượng như thế nào? Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, có rà soát và có sơ kết, trong đó nổi bật là tự chủ tuyển sinh, các trường nên bàn bạc mối quan hệ giữa tự chủ tuyển sinh của trường mình theo năng lực với nhu cầu xã hội gắn với quy hoạch, đây là bài toán đã nêu ra từ 2 năm trước.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân còn yêu cầu bộ rà soát lại chuẩn đầu ra của các trường, nếu chuẩn thấp thì phải nâng chuẩn, đồng thời phải sớm thành lập các nhóm trường cùng ngành nghề, tiến tới  hình thành hệ thống sách giáo khoa dùng chung giữa các trường, các khối cùng ngành nghề. Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới phải tiếp tục đẩy mạnh đào tạo theo yêu cầu xã hội.

*  Cùng ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp (ĐH, CĐ, TC) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2007-2013.

Giai đoạn 2007-2013, số học sinh các dân tộc thiểu số được cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ là 12.805 em, đạt 88% so với chỉ tiêu. Số học sinh cử tuyển vào trung cấp trên 2.000 em. Số học sinh, sinh viên cử tuyển được bố trí vào học tại các ĐH, CĐ chủ yếu ở các ngành sư phạm, y tế, kỹ thuật, nông lâm, kinh tế, xã hội nhân văn, nghệ thuật... Về tỷ lệ bố trí việc làm cho các em sau khi ra trường, theo báo cáo của Bộ trong 2 năm học (2007-2008, 2008-2009), đến nay mới chỉ có 852 em được bố trí việc làm trên tổng số 2.132 em đã tốt nghiệp và có 95% học sinh trung cấp tốt nghiệp ra trường được bố trí việc làm. Khó khăn của chính sách này là quy định về bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp đối với hệ cử tuyển khó thực hiện. Ở nhiều nơi, sinh viên tốt nghiệp không về công tác, nhưng cũng có nơi sinh viên về thì tỉnh lại không bố trí được việc làm. Một số địa phương cử học sinh cử tuyển người Kinh nhiều hơn người dân tộc thiểu số. Một số tỉnh vì không có người đồng bào dân tộc thiểu số đã cử hoàn toàn người Kinh đi học…

Tuấn Dũng
.
.
.