Sẽ nâng tuổi nghỉ hưu lao động nữ lên 60 tuổi?
Mặc dù dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn để mở quy định tuổi nghỉ hưu “do Chính phủ quy định”, nhưng tại phiên thảo luận ở tổ chiều qua (16/11), ngay cả đại biểu nam cũng thừa nhận: quy định tuổi nghỉ hưu nam nữ ngang bằng nhau là xu thế của thời đại.
Sẽ nâng tuổi nghỉ hưu lao động nữ lên 60?
Bộ luật Lao động hiện hành quy định nam 60 tuổi nghỉ hưu, nữ 55, trừ một số lao động ở ngành, lĩnh vực đặc thù. Bản dự thảo trình Quốc hội lần này, ban soạn cũng chưa nghiêng về phương án giữ nguyên hay thay đổi mà chỉ ghi: Quá trình soạn thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần nâng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là nữ để bảo đảm bình đẳng giới và giảm thiểu áp lực với quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo tờ trình của Chính phủ thì: “Kể từ trước khi Bộ luật Lao động được tiến hành sửa đổi, quyền nghỉ hưu của lao động nữ luôn được đặt ra và có nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ cho rằng nghỉ hưu là quyền của người lao động. Do đó, khi lao động nữ đủ 55 tuổi và lao động nam đủ 60 tuổi (lao động trong điều kiện bình thường) thì họ có quyền nghỉ hưu. Tuy nhiên, những người lao động này vẫn có quyền tiếp tục làm việc nếu họ có nguyện vọng và được người sử dụng lao động đồng ý. Với một số loại lao động đặc thù như làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại hay lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động làm công tác quản lý thì tuổi nghỉ hưu sẽ do Chính phủ quy định”. Như vậy, dự luật chưa quy định sự thay đổi cụ thể.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận chiều qua, phần lớn ý kiến đề nghị phải quy định rõ độ tuổi nghỉ hưu trong luật. Bảo vệ quyền lợi phái nữ, đại biểu Bùi Thị An lý giải: Ngày xưa, đất nước khó khăn, phụ nữ vất vả nuôi con nên chiếu cố cho họ nghỉ hưu sớm hơn. Ngày nay, xã hội phát triển, phụ nữ, nam giới làm việc bình đẳng, trừ một số ngành đặc thù nên tuổi nghỉ hưu nam, nữ cần bình đẳng. Bà đề nghị, nam nữ đều 60 tuổi nghỉ hưu.
Lao động nữ sẽ được nghỉ thai sản 5-6 tháng và kéo dài tuổi nghỉ hưu. |
“Tôi không tham gia chức quyền gì nữa cho nên tôi nói khách quan. Tôi không nói cho tôi mà nói cho giới lao động nữ nói chung” – bà An thẳng thắn. Bà cũng đề nghị quy định này phải nêu rõ trong luật, không nên để văn bản dưới luật bởi đã quy định là thống nhất, không nên giới hạn một số đối tượng, quy định có đủ sức khỏe, rồi đơn vị có nhu cầu mới kéo dài tuổi.
“Tôi nói thẳng, quy định như vậy chỉ tạo sự xin cho, tiêu cực, cho nên phải đảm bảo tính thống nhất, 60 thì tất cả đều 60, trừ lao động nặng nhọc. Tôi đi nước ngoài nhiều, mà chúng ta cũng bàn vấn đề này từ năm 1993 tới nay nhưng cứ thấy vướng mãi”.
Không chỉ đại biểu nữ bày tỏ quan điểm bình đẳng tuổi nghỉ hưu cho phái mình mà ngay đại biểu nam cũng tỏ rõ sự ủng hộ. Đại biểu Đỗ Quốc Bình (Hà Nội) viện dẫn, xu hướng các nước đều tăng độ tuổi nghỉ hưu bởi tuổi thọ bình quân thế giới cũng như ở ta đều tăng, rồi gánh nặng bảo hiểm xã hội không đủ chi trả nếu thời gian nghỉ hưu kéo dài. Đại biểu Bình đưa ra đề nghị hơi khác những ý kiến trước đó khi cho rằng, nam 62 tuổi nghỉ hưu, nữ là 57. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, nếu không thống nhất độ tuổi nghỉ hưu trong luật mà ghi điều kiện ràng buộc “nếu cơ quan có nhu cầu, nếu cán bộ có đủ sức khỏe” sẽ dẫn tới việc xin cho.
Có phải tất cả lao động nữ đều muốn kéo dài tuổi lao động?
Bày tỏ đồng tình nam nữ bình đẳng tuổi lao động, đại biểu Chu Sơn Hà cũng cảnh báo: nếu tiếp tục quy định nữ nghỉ hưu 55 tuổi sẽ làm vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. “Quan điểm của tôi, quy định thống nhất nam nữ đều 60 tuổi nghỉ hưu. Khoản 2, Điều 199 dự thảo luật cần quy định đối với trường hợp lao động nặng nhọc, đặc thù thì được nghỉ hưu trước”.
Tuy vậy, ông cũng cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu với lao động nữ không có nghĩa là cố gắn chức vụ, địa vị cho họ. Theo ông, với người có năng lực, trình độ, nếu cần cống hiến thì ngay cả khi nghỉ hưu vẫn có nhiều cách để cống hiến cho xã hội chứ không phải cứ ở lại “giữ ghế” mới cống hiến được.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo thì lý giải, trước đây quan niệm được nghỉ hưu sớm là “sự ưu ái cho phái yếu”. Tuy nhiên, việc quy định nữ nghỉ hưu trước nam cũng không phải đặc thù của Việt
Mặc dù thừa nhận cần nâng tuổi nghỉ hưu nam nữ bình đẳng, nhưng nhiều ý kiến cũng đề nghị cần phải tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, phải xem xét cụ thể trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta, có tham chiếu quy định của các nước phát triển và đang phát triển. Bởi, sự thay đổi này sẽ tác động lớn đến đời sống của hàng triệu lao động nữ cũng như các vấn đề về chế độ, chính sách, đặc biệt là việc kéo dài độ tuổi lao động nữ từ 55 lên 60 có liên quan mật thiết vấn đề sức khỏe.
Lao động nữ ở độ tuổi này giảm nhiều, nếu kéo dài thêm 5 năm thì tác động tới chất lượng lao động, việc làm như thế nào, kể cả cơ cấu lao động, ảnh hưởng tới nguồn tuyển chọn với lao động trẻ ra sao… Do đó, bình đẳng về quyền giữa lao động nam và nữ chỉ là một vấn đề, phải tính toán kỹ lưỡng, khoa học tất cả những điều đó trước khi quyết định.
Trong phát biểu được chú ý tại thảo luận ở tổ, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, thực ra việc muốn nâng tuổi nghỉ hưu chỉ tập trung ở lao động nữ trong cơ quan nhà nước, nhất là lao động giữ chức vụ, lãnh đạo. Còn lại hàng vạn lao động nữ ở khu công nghiệp, hầm mỏ, công trình, họ muốn được nghỉ hưu sớm. Do đó, dù là phái nữ nhưng đại biểu Hường đề nghị cần phải làm rõ tính khách quan và khoa học trong vấn đề này.
Nghỉ Tết Nguyên đán có thể tăng thêm 1 ngày
Liên quan quy định nghỉ Tết Nguyên đán, tại phiên thảo luận chiều 16/11, nhiều ý kiến ủng hộ tăng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thêm 1 ngày, từ 4 lên 5 ngày để đảm bảo quỹ thời gian nghỉ phù hợp cho người lao động, tránh tình trạng đi làm xen kẽ ngày nghỉ, không hiệu quả. Về thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ, dự luật quy định nâng lên 5 tháng với lao động thông thường, 6 tháng với lao động nặng nhọc.
Nhiều ý kiến đề nghị cần thống nhất thời gian nghỉ chung là 6 tháng. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị, Luật Bình đẳng giới đã quy định thời gian nghỉ của chồng khi vợ sinh con, tuy nhiên dự án Bộ luật Lao động lần này lại “bỏ quên”!