Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

Sẽ có nhiều đổi mới trong khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT

Thứ Hai, 23/06/2014, 09:34
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) dự kiến được Quốc hội sẽ thông qua trong tháng 6 cũng như giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh, đang là vấn đề nhiều người quan tâm, vì đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi người bệnh. Vì thế, đây cũng là nội dung được đặt ra trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV tối qua 22/6. Báo CAND lược ghi những thông tin thiết thực xung quanh vấn đề này:

PV: Thời gian qua, người dân gặp nhiều khó khăn khi đi khám theo chế độ BHYT. Vì vậy, người dân kỳ vọng vào những đổi mới của Luật BHYT dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tới đây. Bộ trưởng có thể cho biết những đổi mới đột phá của Dự thảo luật sửa đổi lần này? Liệu BHYT có thiết thực hơn với người nghèo hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thứ nhất về quyền lợi của người tham gia BHYT: Luật bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu gần nơi sinh sống hoặc nơi công tác, không phân biệt địa giới hành chính.  Mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh kể từ ngày 1/1/2016.

Luật BHYT sửa đổi mở thông tuyến KCB BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến TW trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo. Từ ngày 1/1/2021, sẽ mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với trường hợp điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và TW đối với người tham gia BHYT tự đi KCB.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1313/QĐ-BYT hướng dẫn các bệnh viện (BV) cải cách quy trình khám bệnh (KCB). Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, có 62% số BV đã cải tạo, mở rộng, bố trí thêm buồng khám tại khoa khám bệnh, 470 buồng khám được bổ sung, tăng 15,5% buồng khám. Thời gian khám bệnh trung bình của 1 người bệnh đã giảm trung bình là 40 phút/người bệnh. Quy trình khám đã cải tiến từ 12-14 bước xuống còn 4-7 bước, giảm số chữ ký trong bảng kê thanh toán từ 6 chữ ký còn 4 chữ ký.

Với những điểm đột phá của Luật BHYT sửa đổi và quyết tâm của Bộ Y tế trong cải cách quy trình KCB, thời gian tới người nghèo có thẻ BHYT sẽ hài lòng hơn.

PV: Thống kê cho thấy các quy định mới về đấu thầu thuốc đã giúp giảm giá thuốc 20-30%. Tuy nhiên, có ý kiến hoài nghi giá thuốc trúng thầu giá rẻ, nhưng chất lượng thuốc có đảm bảo, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có thể khẳng định việc ban hành hàng loạt các Thông tư của Bộ Y tế về đấu thầu thuốc thời gian qua đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Việc hoài nghi giá thuốc trúng thầu với giá rẻ, chất lượng chưa đảm bảo là chưa có cơ sở. Bởi theo quy định về mặt quản lý:  Quy trình đấu thầu mua thuốc, bước đầu tiên các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng thuốc mới chuyển sang công đoạn đánh giá về giá (theo quy định tại Luật đấu thầu là lựa chọn mặt hàng có giá đánh giá thấp nhất). Các thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, đều được cấp số đăng ký lưu hành (hoặc Giấy phép nhập khẩu) tức là yêu cầu tiên quyết về pháp lý là thuốc phải được cấp phép lưu hành tại nước sản xuất. Để được cấp phép lưu hành tại nước sở tại thì sản phẩm đã được thẩm định, đánh giá đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng, dữ liệu an toàn, hiệu quả của thuốc. Đối với nhà máy sản xuất thuốc phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt theo khuyến cáo của WHO (WHO-GMP) hoặc của EU, PIC/s.

Theo nguyên tắc GMP, tất cả các mặt hàng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường đều phải được nhà sản xuất kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu. Ngoài ra, thuốc sau khi được cấp số đăng ký lưu hành, các Viện kiểm nghiệm TW và các Trung tâm kiểm nghiệm trên toàn quốc thực hiện công tác hậu kiểm về kiểm tra chất lượng thuốc, tất cả các trường hợp không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký lưu hành sẽ bị xử lý.

Như vậy, Bộ Y tế xin khẳng định, thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả khi sử dụng.

PV: Thời gian qua, một số bệnh như sởi, thủy đậu… diễn biến phức tạp, gây tăng đột biến nhu cầu sử dụng vaccin, xin Bộ trưởng cho biết tình hình cung ứng vaccin để đảm bảo nhu cầu phục vụ dịch?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Khi có dịch xảy ra (như thủy đậu) vừa qua, nhu cầu tiêm dịch vụ vaccin phòng bệnh tăng đột biến, vượt xa số lượng dự báo và nhập khẩu. Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung vaccin: cấp phép nhập khẩu khẩn cấp 77.600 liều vaccin của Hàn Quốc, 19.830 liều vaccin của Bỉ và 200.000 liều vaccin của Mỹ sản xuất theo hình thức chưa có số đăng ký. Bộ Y tế cũng tổ chức họp Hội đồng xét duyệt thuốc và cấp 2 số đăng ký lưu hành cho các vaccin phòng bệnh thủy đậu theo quy trình rút gọn; tổ chức thêm cơ sở thẩm định hồ sơ đăng ký tại TP Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế cũng có các văn bản yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng thực hiện tốt việc dự trù, đặt hàng; Viện Kiểm định quốc gia về vaccin và sinh phẩm y tế ưu tiên kiểm định đối với các lô vaccin sản xuất và nhập khẩu phục vụ phòng chống bệnh dịch. Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền về tiêm chủng vaccin để phòng bệnh, hướng dẫn thay thế các vaccin phối hợp bằng các vaccin đơn giá

Thanh Hằng (ghi)
.
.
.