Sập lò gạch, 6 người chết, 4 người bị thương nặng
Vụ tai nạn với hậu quả đau lòng
Trao đổi với phóng viên Báo CAND sáng 9/1/2008, ông Cao Văn Tùng, Trưởng Công an xã Châu Can (Phú Xuyên - Hà Tây) cho biết: Trên địa bàn xã hiện có duy nhất một khu lò gạch với 6 chiếc lò cả cũ và mới.
Chủ chiếc lò gạch bị sập là ông Nguyễn Văn Đủ, người xã Khai Thái, Phú Xuyên, Hà Tây. Vị trí lò gạch nằm sát bên sông Ngóc và thuộc địa bàn giáp ranh hai xã Châu Can (Phú Xuyên) và Đông Lỗ (Ứng Hòa). Trước kia khu đất này được đấu thầu trồng hoa sen, thả cá và từ năm 2004 đến nay mới được chuyển sang làm gạch.
Lò gạch bị sập có chiều cao 6,2m, chiều dài 12m. Vụ tai nạn đau lòng xảy ra lúc 15h5' ngày 7/1/2008, thời điểm đó lò đã ra hết gạch và có khoảng 20 người đang dọn cầu lò để chuẩn bị cho đợt đốt gạch tiếp theo thì tường bao đổ sập xuống. Hậu quả có 5 người chết tại chỗ, 1 người chết sau khi đưa đi viện và 4 người bị thương, trong đó có những trường hợp bị thương nặng, như gãy chân, xương sườn...
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng Công an cũng như các ban, ngành có liên quan của tỉnh Hà Tây, huyện Phú Xuyên đã có mặt để giải quyết vụ việc. Những người dân tại xã Châu Can cho chúng tôi biết, các nạn nhân xấu số trong vụ sập lò gạch đều có hoàn cảnh rất khó khăn, có những trường hợp có tới 3 đứa con còn nhỏ dại.
Liên quan đến việc giải quyết hậu quả vụ tai nạn, Thượng tá Phạm Văn Nôm - Trưởng Công an huyện Phú Xuyên cho biết: Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng Công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân đã khẩn trương tìm kiếm người bị nạn và đưa người bị thương đi cấp cứu.
Đồng thời tổ chức các đoàn tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có người bị nạn tổ chức việc hậu sự cho những người quá cố. Đến 10h sáng 9/1, được sự động viên của chính quyền địa phương, cả 6 gia đình có người thân thiệt mạng đều thống nhất với chính quyền địa phương tổ chức mai táng cho các nạn nhân.
Những cảnh báo không bao giờ cũ
Về nguyên nhân vụ tai nạn, Thượng tá Phạm Văn Nôm cho biết: Cho đến nay, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tây, cơ quan điều tra Công an Hà Tây đang tập trung thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ tai nạn trên.
Trong quá trình thu thập tài liệu, nếu các cơ quan chức năng trên tìm thấy chứng cứ xác định có dấu hiệu của tội phạm, chẳng hạn như làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, đủ căn cứ thì khởi tố vụ án theo quy định. Ngược lại, cơ quan điều tra sẽ chuyển trả hồ sơ để ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết theo thẩm quyền.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tây quyết định hỗ trợ mỗi gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng; UBND huyện Phú Xuyên hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 2 triệu đồng; xã Châu Can hỗ trợ 1 triệu/nạn nhân. Chủ lò gạch, ông Nguyễn Văn Đủ đã trực tiếp hỗ trợ mỗi gia đình có người thân thiệt mạng tổng cộng 25 triệu đồng/nạn nhân.
Dư luận nhân dân địa phương đồng tình với cách giải quyết của chính quyền, thường xuyên thăm hỏi động viên làm dịu bới nỗi đau của gia đình, dòng họ người quá cố.
Thế nhưng còn hàng trăm lò gạch ven sông Hồng thuộc thị trấn Phú Minh, Văn Nhân, Thụy Phú, Hồng Thái, Khai Thái và Quang Lãng thuộc huyện Phú Xuyên hiện đang thu hút hàng trăm lao động thời vụ nông nhàn liệu có an toàn?
Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền các địa phương không chỉ Phú Xuyên, Hà Tây cần xem xét nghiêm túc tình trạng này. Nếu cần thiết phải quy hoạch phát triển khu vực sản xuất gạch ngói đảm bảo an toàn cả về môi trường và kiểm soát an toàn lao động, ràng buộc trách nhiệm của chủ sử dụng lao động theo pháp luật