Rắc rối từ việc điều chỉnh giao thông tại Hà Nội

Thứ Ba, 23/06/2009, 19:15
Giao thông Hà Nội gần đây có quá nhiều thay đổi, ban đầu khiến không ít người tham gia giao thông lúng túng. Sau khoảng 1 tháng thực hiện, người dân Thủ đô cũng dần thích ứng và họ cũng nhận thấy tính tích cực lẫn những rắc rối nho nhỏ do sự thay đổi này.
>> Khi Giám đốc Sở khuyên dân "đi thuyền"

Ngày 19/6, là đợt thứ 3 trong kế hoạch giải quyết ùn tắc giao thông mà Sở Giao thông Vận tải thực hiện. Lực lượng chủ đạo được Sở Giao thông Vận tải giao cho Thanh tra giao thông (TTGT). Cùng với đó còn có sự tham gia của CSGT, CSTT, Công an TP Hà Nội.

Trong đợt đầu tiên, các lực lượng liên ngành đã tổ chức lại giao thông tại 11 nút, đợt 2 tiến hành tại 26 nút. Ngày 19/6, đợt thí điểm thứ 3 đã tiến hành tại các nút: Hồ Đắc Di - Nguyễn Lương Bằng; Nguyễn Lương Bằng - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa; Xã Đàn - Đào Duy Anh - Phạm Ngọc Thạch.

Theo ông Thạch Như Sỹ, Trưởng ban Thanh tra giao thông, hiện nay thành phố có 124 điểm nóng về ùn tắc giao thông. Qua các đợt thí điểm tại những nút giao thông được đánh giá là phức tạp, việc tổ chức lại giao thông tại một số nút mới sẽ được tiến hành. Việc này dựa trên yêu cầu thực tiễn, đề xuất của CSGT và những nơi mới phát sinh ùn tắc. Có thể hiểu, Hà Nội sẽ thực hiện kế hoạch này đến khi trật tự giao thông được cải thiện.

Thực tế trong khoảng 1 tháng qua, tại các nút giao cắt, việc tổ chức lại giao thông được tiến hành trên cơ sở tạo những điểm quay đầu mới, dùng barie ngăn các đường giao cắt. Các lực lượng TTGT, CSGT được bố trí với mật độ dày đặc để hướng dẫn người dân theo cách tổ chức phân đường mới. Đơn cử, tại trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (quận Hà Đông), có hơn chục nút giao thông được bố trí lại. Hiệu quả dễ nhìn thấy là trên tuyến đường này không còn xảy ra ùn tắc.

Tuy nhiên, sự thay đổi ở nút Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng - Ô Chợ Dừa từ ngày 19/6 khiến người tham gia giao thông lúng túng. Sáng 22/6, lượng người và phương tiện đi qua đây rất lớn, trong khi đó không được tiến thẳng lên ngã ba Nguyễn Lương Bằng - Khâm Thiên - Đê La Thành theo hiệu lệnh của CSGT, TTGT và lối quay đầu phía đường Xã Đàn lại bị bít, càng khiến nhiều người lúng túng. Nhưng rồi, theo chỉ dẫn của các lực lượng hướng dẫn giao thông, lượng người và phương tiện cũng vượt qua "cửa ải" vốn là điểm nóng về ùn tắc sau khi đi thêm vài chục mét để quay đầu. Đây là việc làm không mới, nhưng khi thực hiện tại nút giao thông có lưu lượng người xe lớn đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều.

Nút giao thông Ô Chợ Dừa - Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: C.H.

Anh Nguyễn Nhật Thắng, trú tại phố Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân cho biết, ngày nào anh cũng đi qua nút giao thông này. Anh đã phát hiện ra những thay đổi, đó là việc người ta "vạt" một phần vỉa hè trên đường Nguyễn Lương Bằng, phía bên phải (nếu tính phía đường Tôn Đức Thắng vào). Đây là vị trí mà cách đây không lâu, người ta mới san lấp phần phát lộ di tích Đàn Xã Tắc để làm đường và vỉa hè. Cái vỉa hè mới rộng hơn 3m, lát gạch sạch đẹp nay bị "vạt" chỉ còn chưa đầy 1m. Một con đường nhỏ được khai sinh, tạo ra một luồng đường rất tiện cho những ai đi từ hướng Xã Đàn muốn rẽ sang Khâm Thiên. Anh Thắng còn phát hiện, vỉa hè ở đầu lối rẽ từ đường Nguyễn Lương Bằng - Xã Đàn cũng bị "vạt" để mở rộng lòng đường.

Còn chị Nguyễn Thu Hà, trú tại đường Trần Phú (quận Hà Đông) thì nhận xét, tại ngã ba Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng đã có một bùng binh vốn có tác dụng kéo giãn lượng phương tiện khi muốn đi thẳng đến ngã ba Nguyễn Lương Bằng - Khâm Thiên - Đê La Thành nên không nhất thiết phải mở điểm quay đầu mới cách vị trí cũ vài chục mét. "Làm như thế là không cần thiết và gây rắc rối cho người đi đường", chị Thu Hà nhận xét.

Tôi nêu ý kiến của chị Thu Hà với ông Thạch Như Sỹ, ông cho biết bùng binh tại vị trí trên chưa đủ dài để các luồng xe quay đầu mà vẫn tránh được xung đột nên buộc phải lập dải phân cách mềm. Chỉ thêm vài chục mét nhưng độ giãn của các luồng xe được kéo ra, tránh gây "xoắn ốc" khi các luồng phương tiện va vào nhau.

Ông Sỹ cho biết, việc di chuyển các điểm quay đầu xe ra khỏi vị trí cũ vài chục mét được coi là khả thi nhất. Sau khi thí điểm đã ghi nhận hiệu quả, đó là đã giải quyết được nạn tắc đường và hạn chế được tình trạng ùn ứ. "Bắt buộc phải "cưỡng bức" giao thông", ông Sỹ nói.

Cũng từ cách làm này mà người dân buộc phải đi theo cách tổ chức giao thông mới, không thể tạt xe hay quay đầu tuỳ tiện. Vì thế, văn hoá của người tham gia giao thông được nâng cao

Cao Hồng
.
.
.