Ngày thứ ba, Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ:

Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để cán bộ nhũng nhiễu

Thứ Sáu, 14/06/2013, 23:47
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 14/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về” còn khá nhiều, cùng với đó là tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, cửa quyền. Trong các giải pháp khắc phục, có việc quy trách nhiệm người đứng đầu...
>> Không coi “phạm tội lần đầu” là tình tiết giảm nhẹ khi xử án tham nhũng

Kiên quyết loại bỏ những công chức vô cảm, thiếu đạo đức

Chất vấn trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thái Học đã bày tỏ bức xúc về vấn đề cán bộ công chức cửa quyền, vô cảm, làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi tối cắp ô về khiến “người dân rất bất bình vì phải lao động cật lực để nuôi sống những người không đáng được tồn tại trong bộ máy nhà nước”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng, nhưng cũng nhận thức rất rõ là còn nhiều bất cập tồn tại. Chính phủ đã đề ra 2 giải pháp lớn, thực hiện nghiêm túc chương trình tổng thể cải cách hành chính 2011 – 2020, trong đó quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang triển khai tổng thể đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cá nhân.

“Chúng tôi hứa với Quốc hội là cố gắng làm thành công. 20 loại giấy tờ cá nhân giờ chỉ còn một cái thẻ. Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề con người là trọng tâm của cải cách hành chính, một bộ phận cán bộ cửa quyền, nhũng nhiễu, vô cảm, đùn đẩy, né tránh công việc dẫn đến năng lực thực thi công vụ yếu kém, gây bức xúc cho công dân sẽ phải được khắc phục, xử lý”.

Chính phủ cũng đã có đề án cải cách chế độ công vụ công chức, nâng cao đạo đức công vụ, đổi mới việc đánh giá cán bộ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; quy định rõ trách nhiệm bồi thường của cán bộ công chức viên chức nếu làm việc chậm gây thiệt hại...

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an giải đáp các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn.

Tái cơ cấu vẫn diễn ra chậm

Trả lời chất vấn của đại biểu về lý do tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 4 nguyên nhân: Thứ nhất do đây là vấn đề lớn, đụng chạm đến nhiều cấp, nhiều ngành, đến cả người dân và doanh nghiệp (DN) nên cái đầu tiên cần có là thể chế, cơ chế. Thứ hai là thiếu thị trường, muốn cổ phần hóa nhưng rất ít người mua. Thứ 3 là vấn đề nguồn nhân lực thiếu  hụt và thứ 4 là chỉ đạo, điều hành cần quyết liệt, cụ thể hơn.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng tuy tái cơ cấu diễn ra chậm nhưng đã có kết quả. Về đầu tư công, sau khi Chỉ thị 1792 về chống đầu tư dàn trải ra đời đã được triển khai rất hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Trong lĩnh vực ngân hàng, 9 ngân hàng thương mại yếu kém đã được củng cố, thanh khoản của hệ  thống vững chắc hơn trước rất nhiều.

Trả lời về vấn đề trách nhiệm dẫn đến chậm trễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có cả phần khách quan và chủ quan, trong đó phần chủ quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành thể chế, chủ động hơn trong đôn đốc, giám sát; nâng cao hiệu quả đầu tư công, chống lãng phí thất thoát, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tập trung xử lý nợ xấu, tiết kiệm chi phí, tăng cường thanh tra, kiểm tra; đôn đốc để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu.

Tấn công mạnh các loại tội phạm

Liên quan đến trật tự an toàn xã hội, một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn về tình trạng lộng hành của một số loại tội phạm. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có một số nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại này, trong đó không loại trừ việc một bộ phận cán bộ bị lợi dụng, mua chuộc. Chính phủ nhận rõ trách nhiệm về vấn đề để tội phạm, một số băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” diễn ra trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu lại một số số liệu để thấy rằng các cơ quan chức năng cũng đã cố gắng để triệt phá.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến về “gam màu buồn” Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện Tập đoàn này đã ổn định hơn và quản lý tốt hơn. Cụ thể, trong 216 DN không giữ lại đã sắp xếp được 36 DN. Số lao động hiện còn 29.000 người, giảm 41.000 người so với trước; trong đó số có việc làm trên 74%, không có việc làm khoảng 25%...

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng khẳng định hiện nay Vinashin vẫn còn lỗ rất nặng, kết quả tái cơ cấu còn chậm, nhiều khó khăn thách thức. Tinh thần lớn trong thời gian tới là thực hiện tái cơ cấu Vinashin một cách toàn diện, triệt để, giữ lại 8 DN nòng cốt đang hoạt động bình thường, 8.000 lao động giỏi có tay nghề cao. Với 216 DN không giữ sẽ bán, cổ phẩn hóa hoặc chuyển nhượng. 166 DN không còn vốn chủ sở hữu cho phá sản hoặc bán. Đến 2015 sẽ giải quyết xong các DN nhỏ lẻ. Đến năm 2022, Vinashin sẽ bắt đầu trả nợ. Đến 2016 thu sẽ cao hơn chi.

Vì sao án tham nhũng, kinh tế xử lý chậm?

Tội phạm tham nhũng vì sao lại phát hiện ít và chậm xử lý, chất lượng tranh tụng tại tòa còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu... là những vấn đề nóng dành cho Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Được Quốc hội bầu vào vị trí Viện trưởng VKSND Tối cao sau khi người tiền nhiệm là ông Trần Quốc Vượng chuyển sang công tác khác, đây là lần đầu tiên Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Trưởng thành từ hoạt động điều tra, Cục trưởng, rồi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, nay đứng đầu VKSND Tối cao, ông Hòa Bình cho thấy sự tự tin trong hoạt động tố tụng, không ngại đụng những câu hỏi khó, kể cả các viện dẫn có tính nghiệp vụ trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử... Bởi vậy, dù cách trả lời chưa thể làm “tăng nhiệt” để tạo sự hấp dẫn trong hỏi đáp tại nghị trường như mong đợi, nhưng trong kỳ “ra mắt” đầu tiên, ít nhiều cũng đem lại sự hài lòng với phong thái mới.

Đại biểu Quốc hội chất vấn tại phiên họp ngày 14/6.

Lo ngại chất lượng kiểm sát viên

Tầm quan trọng của công tác cán bộ kiểm sát đã được đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và một số đại biểu quan tâm: “Để cán bộ có “trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch” tiến tới cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế cần làm thế nào”.

Giải pháp trên, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình lý giải, áp lực công việc ngày càng tăng do diễn biến tội phạm. Về cán bộ, biên chế vẫn tăng ở cấp huyện (chiếm 91% án toàn quốc), tăng ở những khâu quan trọng (ứng dụng thông tin, cơ quan điều tra).

Một trong những tiêu chí là tranh tụng tại tòa để khắc phục thiếu hụt cán bộ nhiều năm ở vùng sâu, vùng xa. Viện trưởng hy vọng rằng, Trường Đại học Kiểm sát là một giải pháp căn cơ, giải pháp đầu vào đầu ra, số nghỉ tự nhiên 800 người (15%), quy mô đào tạo năm tới 200 và sẽ nhân lên, nguồn là các cơ sở đào tạo pháp luật. Có ý kiến cho rằng, nhiều sinh viên trường luật ra trường không về VKS, họ ở lại đô thị, không về vùng sâu, vùng xa, vì thế rất thiếu…

Án kinh tế, tham nhũng ít được xử lý

Vì sao việc phát hiện và xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng ít mà hưởng án treo nhiều đã khiến nhân dân hoài nghi? Vậy có biện pháp gì để thực hiện nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm? Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) và nhiều đại biểu nghi ngờ về việc xử lý loại tội phạm “cổ cồn” này. Viện trưởng đồng tình với những đánh giá của các đại biểu.

“Như vậy là tạo ra suy nghĩ ta không quyết tâm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế. Thực tế án kinh tế, tham nhũng tỉ lệ cao (30,8%)”, Viện trưởng nói. Ông giải thích về những khó khăn khi làm loại án phức tạp này là phải thu hồi được tài sản trái phép, án kinh tế khi đã bị tịch thu tài sản, yêu cầu phạt tù cũng không phải là cao và đó cũng là định hướng xử lý.

Có đại biểu nghi ngại án tham nhũng hay xử “treo”, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình giải thích, tất cả vụ án xử án treo đến nay đều vận dụng đúng. Án tham nhũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ được vận dụng, tuy nhiên Viện đã có hướng dẫn không được áp dụng “phạm tội lần đầu” và “nhân thân tốt” để xác định là tình tiết giảm nhẹ.

“Đối tượng phạm tội tham nhũng là người có chức quyền, mà bị xử phạt hành vi tham nhũng rồi thì làm sao tiếp tục lãnh đạo nữa, nên không áp dụng phạm tội lần đầu”, Viện trưởng giải thích.

Án kéo dài, tội phạm tử hình chờ… quá lâu

Đại biểu Trương Thị Huệ nghi ngờ thống kê án liệu có đúng, chạy án được đánh giá là khá nghiêm trọng mà chỉ bị kỷ luật, đánh giá của Viện trưởng thế nào và có biện pháp gì? “Thống kê tội phạm nguyên tắc là những vụ án đã khởi tố, truy tố, bắt giam đối tượng. Còn mảng tội phạm tham nhũng, chạy án không thuộc phạm vi tố tụng hình sự mà thuộc nghiên cứu tội phạm học”, Viện trưởng nói.

Giải đáp những thắc mắc về án dân sự bị sửa, ông cho rằng hướng khắc phục là phải nâng cao hoạt động tư pháp, bám sát điều tra. Những kiến nghị để khắc phục bám sát quá trình điều tra tốt hơn và ngay cấp sơ thẩm là đúng người đúng tội. Về án trả đi trả lại kéo dài thời gian, thực tế là nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, cán bộ thực hiện các quy trình tố tụng. Giải pháp khách quan với một vụ án dân sự, quyết định của tòa chỉ là đúng và sai nên khó đòi hỏi các bên. Bên đúng thì vui vẻ, bên sai tiếp tục khiếu kiện nên kéo dài. Có vụ kéo dài quá mức, khắc phục bằng cách làm từ điều tra đến xét xử. Giai đoạn điều tra có ngày có tháng, còn khi xét xử thì không như vậy.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) thắc mắc, nhiều tội phạm án tử hình đến nay vẫn chưa được thi hành án, trong khi điều kiện giam giữ rất ngặt nghèo, có người 6 năm chưa thi hành án được, không chỉ tội phạm căng thẳng mà cả chiến sĩ trông giữ. Vậy trách nhiệm của VKS đến đâu? “Tôi chia sẻ áp lực này. Trách nhiệm kiểm sát giam giữ, mọi chế độ phải đảm bảo”. Ông cho rằng, nên xem xét quy định lại phương pháp thi hành án tử hình gồm cả tiêm thuốc độc và xử bắn.

Một số cơ quan giám định có biểu hiện né tránh

Trả lời bổ sung nội dung chất vấn Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình về một số vấn đề liên quan công tác của cơ quan tiến hành tố tụng sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đề cập nguyên nhân tiến độ điều tra, xử lý án tham nhũng, kinh tế kéo dài.

Theo Bộ trưởng, đối tượng có chức vụ, quyền hạn có nhiều thủ đoạn che giấu, xóa chứng cứ, đối phó cơ quan điều tra. Việc phát hiện loại án này thường chậm nên CQĐT khó khăn trong thu thập chứng cứ. Tán đồng quan điểm của Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng cũng khẳng định khâu giám định kéo dài và chi phí chi cho giám định lại khá lớn, trong khi một số cơ quan trưng cầu giám định “cũng có biểu hiện né tránh”.

Về vấn đề thi hành án tử hình, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho hay, hiện đã khẩn trương triển khai hình thức tiêm thuốc độc và xây dựng 5 cơ sở để thi hành.

Bộ cũng đã ban hành quy trình, đồng thời tập huấn cho đội ngũ thi hành án hình sự đối với Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Khó khăn hiện nay là chưa có thuốc độc để thi hành án vì phải nhập ở nước ngoài, Bộ đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định sử dụng thuốc sản xuất trong nước (sẽ có hiệu lực từ ngày 27/6/2013).

Ý KIẾN CỬ TRI

Bà Mai Thị Thu (Vĩnh Phúc): Tôi đã rõ nhiều vấn đề

Khi nghe Viện trưởng Viện KSND Tối cao trả lời những câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, tôi thấy hài lòng. Vì nhiều vấn đề nổi cộm mà bấy lâu nay tôi băn khoăn bây giờ đã được giải đáp. Từ nguồn cán bộ, tới xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng đến thi hành án và tranh tụng tại tòa khi xét xử. Nhưng theo tôi nghĩ, kiểm sát viên phải tiếp tục nâng cao hơn nữa trình độ thì mới đáp ứng được cải cách tư pháp hiện nay, để có một nền tư pháp vững mạnh như NQ37 của Quốc hội đã đề ra.

Cử tri Trần Thị Thanh (giáo viên về hưu, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội): Quốc hội ngày càng đi sâu vào nguyện vọng của cử tri

Qua theo dõi việc trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng trên tivi, tôi thấy rằng nhìn chung các Bộ trưởng đã chú ý đi vào trọng tâm các câu hỏi. Tuy cũng có những ý kiến không được cụ thể, trong khi đòi hỏi của cử tri là phải rõ ràng, nhưng tôi cũng hiểu rằng trả lời là không dễ. Là một cán bộ của ngành Giáo dục, tôi quan tâm nhất đến nội dung trả lời của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, đặc biệt là việc giải quyết việc làm cho các cháu sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trường nghề…

Tôi thấy rằng Bộ trưởng cũng rất có tâm huyết với vấn đề việc làm, tuy nhiên để giải quyết vấn đề, không phải một lời của Bộ trưởng là được. Tôi rất hoan nghênh vì các kỳ họp Quốc hội càng ngày càng đổi mới, càng đi sâu vào những ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Các đại biểu Quốc hội cũng ngày càng sắc sảo và chú ý hơn đến việc mình là đại diện của người dân.

Anh Đào Nam Định (Hà Nội): Lo ngại nhân lực kiểm sát

Nghe phần trả lời của của Viện trưởng KSND Tối cao về nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát mà tôi thấy lo. Vì sinh viên trường luật ra trường thì cứ ở lại thành phố lớn, còn vùng sâu vùng xa thì thiếu thốn cán bộ có trình độ, hiểu biết luật pháp. Mà khi cán bộ trình độ thấp thì “cầm cân nảy mực” liệu có an tâm được không, có đáp ứng yêu cầu “không làm oan người ngay, không bỏ lọt tội phạm” được không. Đề nghị cần có chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực để họ tự nguyện đến mọi miền của Tổ quốc.

Nhóm PV
.
.
.