Quy hoạch lại để nâng cao chất lượng báo chí là đòi hỏi hợp lý từ thực tiễn

Thứ Hai, 16/06/2014, 08:53
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời do Đài Truyền hình Việt Nam và Báo điện tử Chính phủ tổ chức ngày 15/6.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, từ năm 2012 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 262 cơ quan báo mạng, đình chỉ có thời hạn 2 tờ báo mạng, 2 Tổng Biên tập, thu thẻ của một số Biên tập viên và nhà báo.

Đồng thời, đã ban hành Nghị định 72 nhằm quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực internet. “Theo quy hoạch báo chí đến năm 2020, mỗi địa phương chỉ còn 1 tờ báo, còn lại là các ẩn phẩm phụ. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì theo ý kiến của các chuyên gia và người dân, với hơn 838 cơ quan báo in, hơn 67 đài phát thanh truyền hình trên cả nước hiện nay rõ ràng chúng ta đang có sự lãng phí về nguồn lực” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, hệ quả của việc có quá nhiều cơ quan báo chí hiện nay là đã tạo ra nhiều cơ quan báo chí na ná giống nhau, thiếu bản sắc. Mặt khác, sự quá tải về lượng trên thực tế cũng dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về thông tin giữa các cơ quan báo chí. Để chạy đua về thông tin, một số cơ quan báo mạng đã đưa nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, thậm chí là sai sự thật, gây bức xúc cho dư luận. Do vậy, việc quy hoạch lại báo chí nhằm đưa ra chính sách để hợp lý, hành lang pháp lý để đảm bảo đủ về số lượng và nâng cao chất lượng là đòi hỏi hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến việc trong thời gian qua, xuất hiện chuyện một số cơ quan báo chí đã đưa tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của nhiều cá nhân và doanh nghiệp trong xã hội, song khi có kết quả điều tra lại không đề cập lại hoặc không đính chính lại, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng: Đây là hành vi không thể chấp nhận được vì vi phạm nghiêm trọng những điều cơ bản của luật báo chí vì đưa tin không trung thực, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cương quyết xử lý nghiêm các hành vi trên. Đồng thời, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, thương trường như chiến trường và trong chiến trường này, doanh nghiệp là người lính xung kích trên mặt trận kinh tế, còn nhà báo là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng để cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Đó không chỉ là mong muốn của báo chí, doanh nghiệp mà còn là mong muốn của nhà nước và nhân dân

Huyền Thanh
.
.
.