Luật Tín ngưỡng, tôn giáo:

Quy định thông thoáng nhưng phải có xử lý nghiêm minh

Thứ Hai, 24/10/2016, 17:55
Được Quốc hội khóa XIII thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đưa ra thảo luận kỳ này đã được chỉnh sửa theo hướng tiếp thu các ý kiến tích cực của đại biểu. Phiên thảo luận về dự án luật này chiều 24-10 cũng là phiên thảo luận đầu tiên có đại biểu giơ thẻ tranh luận với các ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.


Cụ thể, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng kết cấu, bố cục của dự thảo Luật còn chưa hợp lý và đề nghị có chương riêng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dự thảo đã được thiết kế lại theo hướng này. 

Theo đó, một chương mới (Chương II) gồm 4 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được bổ sung. 

Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu cho rằng dự thảo cũ còn chưa tương xứng và thiếu cụ thể, dự thảo mới đã khẳng định và cụ thể hóa nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người tại Chương I. 

Đại biểu thảo luận Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Những thay đổi của dự thảo này được đa phần đại biểu đánh giá tích cực. Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng dự thảo luật là “nhân văn và đáng khen ngợi”. Đã quy định thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các tôn giáo thực hiện quyền chính đáng của mình. “Nhiều quy định xin – cho đã được thay thế bằng đăng ký hoặc thông báo... nhiều quy định góp phần cho các tổ chức tôn giáo hội nhập quốc tế dễ dàng hơn, tạo sự tin tưởng, phấn khởi của những người có đạo vào nhà nước. Lần đầu tiên công nhận tư cách pháp nhân phi thương mại của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc”. 

Đặc biệt, “việc công nhận các tổ chức tôn giáo đã dễ dàng, thuận lợi, thông thoáng hơn trước, khi từ quy định phải hoạt động ổn định 23 năm giảm xuống chỉ còn 5 năm. Điều kiện chia tách các tổ chức tôn giáo độc lập cũng dễ dàng hơn” – Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ. 

Tuy nhiên, đây cũng là điều nhiều đại biểu còn băn khoăn. Đại biểu Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng quy định tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau 5 năm hoạt động ổn định mới được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là bất cập, bởi trong 5 năm đó tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp lý và chưa rõ mô hình hoạt động, nên quyền hạn và trách nhiệm chưa rõ. Mặt khác, dự án luật cũng chưa nói rõ sau 5 năm thì tiêu chí xác định đủ điều kiện là gì?

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đánh giá cao việc dự thảo đã thông thoáng hơn, nhưng đề nghị cần đảm bảo cân bằng. “Trong hoạt động tôn giáo, phức tạp nhất là các chức sắc lợi dụng, còn đa phần tín đồ, chức sắc rất tốt. Nếu ta tạo điều kiện mà họ vẫn phá, thì Nhà nước phải tỏ rõ thái độ, phải chuyển tải rất rõ thông điệp “rất dân chủ, rất công bằng, nhưng cũng phải xử lý rất nghiêm nếu vi phạm để đảm bảo sự bình đẳng”. Đại biểu nhấn mạnh, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được Hiến pháp quy định chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật, nên cần thiết kế cho tốt các hành vi bị nghiêm cấm ở dự án luật này. 

Tranh luận với quan điểm này của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng nếu Luật không quy định đình chỉnh, Nghị định sẽ không thể quy định, bởi Nghị định chỉ cụ thể hóa những gì luật cho phép. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng là đại biểu đầu tiên giơ thẻ tranh luận trong kỳ Quốc hội này, được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá là “một bước đổi mới trong quá trình thảo luận tại hội trường, đã có giải trình, có ý kiến tranh luận lại những vấn đề chưa nhất trí”. 

Vũ Hân
.
.
.