Quy định nổ súng là biện pháp cuối cùng để bảo đảm an ninh, trật tự
Phóng viên: Thưa đồng chí Thứ trưởng, vì sao cần phải ban hành Nghị định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ?
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ: Thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm và xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực, nhất là trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng như ma túy, giết người, cố ý gây thương tích, buôn lậu, gây rối trật tự công cộng, trong quản lý và bảo vệ rừng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông… Ngày càng xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng có sử dụng vũ khí nóng, hung khí nguy hiểm rất manh động, hung hãn không chỉ muốn cản trở việc thực hiện công vụ mà còn nhằm tước đoạt tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ.
Trong Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 về tăng cường thực hiện giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, Bộ Công an nhận thấy thực trạng chống người thi hành công vụ không chỉ đáng lo ngại trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mà còn diễn biến phức tạp ở các lĩnh vực khác, nhất là quản lý và bảo vệ rừng, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, tội phạm trên biển, khu vực biên giới, cửa khẩu… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu lực quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ, nhân dân, tài sản của tổ chức, cá nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó nguyên nhân quan trọng là do pháp luật chưa quy định một cách đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; trách nhiệm hình sự đối với tội chống người thi hành công vụ trong Bộ luật hình sự chưa nghiêm khắc, chưa đủ để giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ phía người thi hành công vụ ứng xử chưa đúng mực hoặc vi phạm pháp luật, gây bức xúc cho nhân dân. Vì vậy, Bộ Công an đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho xây dựng Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ với nhiều giải pháp đồng bộ để phòng, chống hành vi chống công vụ ở tất cả các lĩnh vực chứ không riêng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, thăm hỏi, động viên một cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh bị thương khi làm nhiệm vụ. |
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp cơ bản nhằm tăng cường tính hiệu quả của lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự?
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ: Để tăng cường sức mạnh cho các cơ quan thi hành công vụ cũng như nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của các lực lượng chức năng, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về an ninh, trật tự nói riêng; sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội chống người thi hành công vụ, xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm nhưng cũng có chế tài phù hợp, nhân văn với những trường hợp vi phạm lần đầu, không cố ý, có ý thức sửa chữa khuyết điểm. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng, hoàn thiện các quy trình, thao tác nghiệp vụ, quy tắc ứng xử của người thi hành công vụ trong bộ, ngành, địa phương mình một cách cụ thể, chi tiết và phổ biến, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan và những nơi giải quyết công vụ để người thi hành công vụ và nhân dân nắm được và giám sát.
Hai là, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, người thi hành công vụ về cả trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, người thực thi công cụ chỉ làm những gì pháp luật cho phép; cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị phương tiện cho đội ngũ cán bộ của các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật như: Công an nhân dân, Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng… để đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, tôn trọng nhân dân, tác phong, lề lối làm việc chuẩn mực; nhuần nhuyễn về nghiệp vụ, võ thuật, sử dụng thành thạo vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện làm việc khác, nhất là trong các tình huống xảy ra nhanh, phức tạp.
Ba là, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện vi phạm và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục; xử lý nghiêm minh các cán bộ, công chức, chiến sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật trong khi thi hành công vụ; kiên quyết thanh lọc các cá nhân tiêu cực, nhũng nhiễu, lợi dụng công vụ để trục lợi; bên cạnh đó, cũng cần động viên, khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến đối với những cán bộ, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong công tác.
Bốn là, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phải tạo được thế trận lòng dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân và sự tham gia của cả hệ thống chính trị là nền tảng, tạo ra sức mạnh to lớn nhất và cũng là vấn đề có tính nguyên tắc quyết định thành công của công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
Năm là, nghiên cứu tổng thể và khoa học, phân loại mức độ, cấp độ, nhu cầu cần phải nổ súng; vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với tình chất, công việc được giao theo hướng để đảm bảo khống chế nhanh các đối tượng nhưng cũng là biện pháp phòng ngừa sai phạm của người thi hành công vụ.
PV: Theo Nghị định này, khi nào được nổ súng để bảo vệ tính mạng của nhân dân và người thi hành công vụ?Và trách nhiệm của của người nổ súng được quy định như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Trung tướng Phạm Quý Ngọ: Các điều 17, 18 của dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ quy định các trường hợp người thi hành công vụ được phép nổ súng.
Trước khi quyết định nổ súng, đầu tiên người thi hành công vụ phải dựa vào các quy định của pháp luật xem có đúng trường hợp được phép nổ súng không, sau đó phải căn cứ vào diễn biến của sự việc đang diễn ra để cân nhắc xem có cần thiết phải nổ súng không. Những trường hợp nổ súng không đúng quy định của pháp luật khi thi hành công vụ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Quy định về nổ súng của người thi hành công vụ trong dự thảo Nghị định không phải là vấn đề mới mà là quy định cụ thể hóa, chi tiết hơn các điểm 2, 3, 4 của Điều 22 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để đảm bảo rõ hơn, chính xác hơn, gắn chặt quyền và trách nhiệm của người thi hành công vụ; quy định này phù hợp với các quy định trong Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và quy định về phòng vệ chính đáng trong Bộ luật hình sự. Trên thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm, đã nhiều lần lực lượng chức năng phải nổ súng để vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ của những đối tượng đang phạm tội về ma túy, giết người, đối tượng lưu manh, côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm đang thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, của công dân hoặc gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác…Nhưng đây chỉ là biện pháp cuối cùng, trong trường hợp không còn biện pháp nào khác ngăn chặn các hành vi nguy hiểm này.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, để thực hiện Nghị định này sau khi ban hành thì việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thi hành nhiệm vụ, cụ thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân sẽ được thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ: Việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện về trình độ chuyên môn, pháp luật, nghiệp vụ, võ thuật, kỹ năng sử dụng súng, công cụ hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân luôn được tiến hành thường xuyên, liên tục. Trong các trường trong Công an nhân dân, việc dạy, huấn luyện kỹ năng sử dụng súng và võ thuật rất được coi trọng, đây là những môn học chính khóa bắt buộc các học viên phải đạt tiêu chuẩn thuần thục mới được xem xét công nhận tốt nghiệp. Sau khi Nghị định này được ban hành, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nghị định đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và cả nhân dân và phối hợp với tiến hành kiểm tra lại kỹ năng, kỹ thuật sử dụng súng của cán bộ, chiến sĩ, công chức các đơn vị được trang bị súng, những trường hợp không đạt yêu cầu sẽ không được trang bị và phân công nhiệm vụ khác. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc trang bị súng, công cụ hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ, công chức bảo đảm phải đúng người, đúng tình huống, đúng nhiệm vụ mới được trang bị.
Phóng viên: Sau khi lấy ý kiến của nhân dân và các bộ, ngành, dự thảo Nghị định sẽ tiếp thu những vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ: đến nay, dự thảo Nghị định đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân và 18 bộ, ngành. Bên cạnh đa số ý kiến ủng hộ nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, còn có ý kiến băn khoăn, lo lắng quy định về nổ súng trong dự thảo văn bản có thể dẫn đến lạm quyền của người thi hành công vụ. Điều này là có cơ sở và cần được quan tâm. Bộ Công an sẽ tiếp tục tập hợp, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau cũng sẽ được báo cáo đầy đủ để Chính phủ xem xét, quyết định.
Với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định, Bộ Công an luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của dư luận, báo chí để làm sao đảm bảo nhân quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và quy định của pháp luật hiện hành; nội dung gì các cơ quan báo chí chưa thấy hợp lý, thiếu thông tin, chúng tôi sẵn sàng giải đáp để dư luận hiểu đúng vấn đề.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!