Quy định chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ

Thứ Ba, 02/06/2015, 08:22

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) xác định nguyên tắc công khai hóa, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ...

Giải trình về nội dung này, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự luật bổ sung quy định về việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ.

Theo đó, tại khoản 5, Điều 5 xác định nguyên tắc công khai hóa, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, của các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp bảo đảm thực hiện một nền hành chính dân chủ, hiện đại phục vụ nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân; chỉnh lý lại khoản 1 Điều 46 quy định phiên họp Chính phủ được tiến hành theo hình thức công khai; trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định họp kín.

UBTV Quốc hội cũng xác định, việc cụ thể hóa quy định tại khoản 6 Điều 98 của Hiến pháp về chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết, còn số lần báo cáo, nội dung cụ thể của mỗi lần báo cáo sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

UBTV Quốc hội cũng đề nghị không quy định cụ thể trong luật số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ, không quy định số lượng Phó Thủ tướng. Riêng số lượng cấp phó ở bộ, UBTV Quốc hội khẳng định sự cần thiết quy định “cứng”.

Đại biểu thảo luận tại hội trường ngày 1/6.

Do vậy, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5, trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là không quá 6 (khoản 2 Điều 38); số lượng cấp phó của tổng cục là không quá 4; số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là không quá 3 (khoản 2 Điều 40).

Thảo luận dự luật, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đặt vấn đề, Điều 29 và Điều 38 quy định thực hiện báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ (quy định mới trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội) là cần thiết nhằm đảm bảo tăng cường tính minh bạch, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, trong luật cần quy định rõ hơn về phương thức thực hiện, thời gian thực hiện, chế độ báo cáo để đảm bảo tính khả thi.

Cùng quan điểm, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng, trong Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành và dự thảo luật sửa đổi trước đây có quy định tương đối rõ về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, tuy nhiên sau đợt tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật lần này lại chưa đề cập rõ. “Đây là vấn đề được nhắc đến rất nhiều trong các văn bản của Đảng và Chính phủ nhưng chưa được quan tâm, nghiên cứu cụ thể hoá vào trong luật.” – đại biểu Triệu Là Pham nhấn mạnh.

Khẳng định cử tri luôn luôn đặt trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nêu ý kiến, phải quy định nội dung này để Thủ tướng lãnh đạo thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí trong bộ máy nhà nước và các hoạt động kinh tế xã hội. Thủ tướng thực hiện công tác kiểm tra, xử lý tập thể, cá nhân tham nhũng hoặc cơ quan để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu ủng hộ việc giảm cấp phó, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) phân tích: “Lâu nay chúng ta thường phân công mỗi đồng chí cấp phó phụ trách một mảng công việc. Khi mời họp thì giấy mời đề đồng chí cấp trưởng, tức Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, sau đó Bộ trưởng, Chủ tịch bận thì phân công một cấp phó đi dự thay. Tuy nhiên, nhiều khi cấp phó không nắm được cụ thể vấn đề nên không tham gia được ý kiến xác đáng. Trong khi đó cấp Vụ trưởng hoặc Cục trưởng người ta nắm sâu chuyên môn đó nhưng không thể tham gia bởi các cuộc họp không phân công cấp này tham gia”.

Đại biểu đề nghị giảm cấp phó, nâng quyền, trách nhiệm của Cục trưởng, Vụ trưởng, Tổng cục trưởng vì khi trao quản lý nhà nước một lĩnh vực nào đó như vậy họ có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó.

Thảo luận dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đa phần các ý kiến đại biểu đều tỏ ra thận trọng, nhất là khi việc thí điểm bỏ HĐND cấp huyện ở một số địa phương còn chưa có tổng kết xác đáng.

Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng HĐND hoạt động còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả như hiện nay, các đại biểu đều kiến nghị cần tăng thêm số đại biểu chuyên trách và làm rõ tính pháp lý của các nghị quyết, văn bản điều hành của HĐND, trách nhiệm của UBND khi thực hiện các nghị quyết này.

Vũ Hân - Quỳnh Vinh
.
.
.