Bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XIII:

Quốc hội thông qua 11 dự luật, ra nghị quyết về tăng cường phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự

Thứ Bảy, 27/06/2015, 00:24
Ngày 26/6, sau hơn một tháng làm việc, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng.

Đây là thời điểm phù hợp để Quốc hội có những nhận định, đánh giá về tình hình đất nước những năm qua, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ban hành luật pháp và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng khác… 

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình trước nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Quốc hội đã thông qua 11 dự luật, trong đó có những dự án luật hết sức quan trọng như Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi)… Nội dung các dự án luật tuân theo Hiến pháp mới, với tinh thần tôn trọng Nhà nước pháp quyền, nền dân chủ nhân dân. Quốc hội cũng dành sự quan tâm thích đáng trong thảo luận, cho ý kiến về các dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tam giam, Luật trưng cầu ý dân… nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tư pháp theo quy định của Hiến pháp, định hướng cải cách tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Ảnh: TTXVN.

Để các quyết định của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục triển khai toàn diện các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp mới, các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này, đặt biệt là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước để phục vụ việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

“Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thành công, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước về một kỳ họp hợp lòng dân, sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới. Sau kỳ họp này, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội kịp thời gặp gỡ, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để luôn có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của cử tri vào các quyết định của Quốc hội” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, tại phiên làm việc sáng 26/6, Quốc hội đã thông qua hai Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; và Nghị quyết giám sát chuyên đề về tăng cường phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Với 92,11% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, gồm 4 điều. Theo đó, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, tích cực của Cơ quan điều tra (CQĐT), các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; về cơ bản đã bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ oan, sai, có vụ nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; một số trường hợp còn chậm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Để tạo chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này, Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao chỉ đạo CQĐT, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và tranh tụng trong xét xử; chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự. Khi đã xác định có oan, sai thì phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình.

Nghị quyết quy định Bộ Công an sớm hoàn thiện, ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình điều tra các loại án, về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nhất là đối với các vụ án giết người, hiếp dâm không quả tang; tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình. Đối với những vụ án đã kéo dài trên 5 năm và một số vụ án khác dư luận cử tri quan tâm, các cơ quan tố tụng cần xử lý dứt điểm; minh oan và giải quyết bồi thường kịp thời cho người bị oan; đồng thời có giải pháp giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trách nhiệm công vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tố tụng, tránh áp lực quá nhiều công việc dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tòa án các cấp cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quyền tư pháp và nhiệm vụ bảo vệ công lý, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm các bản án, quyết định hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; kiên quyết tuyên bị cáo vô tội trong trường hợp không có căn cứ kết tội.

TAND tối cao tăng cường tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; chủ trì, phối hợp với VKSND tối cao, Bộ Công an tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại kêu oan, nhất là đơn kêu oan của các bị án có mức hình phạt tù 20 năm, tù chung thân, tử hình... Nghị quyết cũng quy định Chính phủ đầu tư kinh phí để nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động điều tra, khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp, nhất là các thiết bị ghi âm, ghi hình để ghi nhận chứng cứ, chống bức cung, dùng nhục hình...

Cũng trong sáng 26/6, Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao; thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao. Cả 15 ứng viên được giới thiệu bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao ngày 24/6 đều đã được Quốc hội phê chuẩn.

Về Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao, đã có 440 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 89,07%). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành tư pháp Tòa án được giao quyền tư pháp, một nhánh quyền rất quan trọng, bảo đảm công lý, bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Quỳnh Vinh – Vũ Hân
.
.
.