Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam

Thứ Tư, 21/05/2014, 21:28
Ngày 21/5, ngày làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, buổi sáng các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giao thông đường thủy; buổi chiều, thảo luận ở tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị trong trường hợp chưa sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng đồng thời hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc và xử bắn.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng năm 2006 nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh hàng không trong bối cảnh tình hình các thế lực thù địch, phản động, các phần tử khủng bố, dân tộc cực đoan và các tội phạm khác đang tìm cách lợi dụng hoạt động hàng không dân dụng để xâm hại an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, đồng thời để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng, chống khủng bố.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thảo luận ở tổ.

Trong dự thảo Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi), quy định về an ninh hàng không cần đầy đủ hơn, trong đó xác định rõ an ninh hàng không là một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh hàng không là một nhiệm vụ của bảo đảm an ninh quốc gia. Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình, cơ chế phù hợp về công tác bảo đảm an ninh hàng không theo hướng lực lượng An ninh nhân dân thuộc Bộ Công an (lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia) có trách nhiệm chủ trì, nòng cốt, phối hợp với lực lượng có liên quan bảo đảm an ninh hàng không bằng các biện pháp công tác Công an và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật nhằm chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các nguy cơ đe dọa an ninh hàng không; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả âm mưu, hành động chống phá, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động hàng không dân dụng. Tại các cảng hàng không, các sân bay và các cơ sở khác của ngành hàng không dân dụng sẽ tổ chức lực lượng  bảo vệ, kiểm soát sân bay có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm, duy trì trật tự tại khu vực cảng hàng không, sân bay, phối hợp hoặc theo yêu cầu của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh hàng không và được Bộ Công an huấn luyện, bồi dưỡng và chỉ đạo, quản lý về mặt nghiệp vụ (tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013 quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp).

Tại khoản 27, Điều 1 dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 159) mới chỉ quy định việc vận chuyển bằng đường hàng không vũ khí, dụng cụ chiến tranh vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam mà chưa quy định việc vận chuyển vũ khí trong nội địa hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; đồng thời cũng chưa quy định về việc mang vũ khí của người thi hành công vụ bằng đường hàng không. Do vậy, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc vận chuyển vũ khí trong nội địa và vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và việc mang vũ khí của người thi hành công vụ trên đường hàng không theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc vận chuyển, mang vũ khí đối với các trường hợp do Bộ Quốc phòng quản lý; Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc vận chuyển, mang vũ khí đối với các trường hợp do Bộ Công an quản lý. 

Tại điểm e, khoản 2 Điều 30 dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 190), các đại biểu đề nghị chỉnh sửa khái niệm vật phẩm nguy hiểm như sau: “Vật phẩm nguy hiểm bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất nổ, chất độc hóa học và sinh học, chất phóng xạ và các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, sự an toàn của chuyến bay”; đề nghị xem xét lại biện pháp “lục soát” đối với tàu bay, phương tiện, người, hành lý, hàng hóa được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 31 dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 191) theo hướng nếu quy định lục soát người thì phải làm rõ phạm vi, điều kiện thẩm quyền, trình tự, thủ tục lục soát để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư theo quy định của Hiến pháp năm 2013…

Công Gôn
.
.
.