Quốc hội thảo luận ở tổ về công tác cai nghiện và sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy

Chủ Nhật, 11/05/2008, 13:30
Chiều qua 10/5, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và đánh giá về 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 của QH về thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.

Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận của Đoàn đại biểu QH TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng 5 năm triển khai Nghị quyết 16 của QH tại TP HCM đã đem lại kết quả tốt. Chương trình thí điểm này đã mang lại niềm vui cho nhiều gia đình vì con em họ được quản lý, giáo dục cai nghiện và hòa nhập cộng đồng theo một quy trình chưa có tiền lệ nhưng rất hữu hiệu. Về mặt xã hội nói chung, việc quản lý tập trung với số lượng lớn người nghiện đã góp phần rất tích cực hạn chế được sự lây lan, phát triển của tệ nạn ma túy, đồng thời góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự chung trên địa bàn thành phố.

Theo Chủ tịch nước thì việc đưa người nghiện vào cai nghiện quản lý tập trung tức là tạm cách ly khỏi cộng đồng còn tạo điều kiện tốt cho công tác phòng chống, triệt xóa dần các đường dây mua bán ma túy. Vấn đề còn lại là phải tuyệt đối không được để xảy ra việc tuồn ma túy vào những nơi quản lý tập trung này.

Về ý kiến cho rằng, chương trình quản lý sau cai nghiện tại TP HCM quá "đắt đỏ", Chủ tịch nước cho rằng cần có sự nhìn nhận đúng về khoản chi phí này, hầu hết là dành để tạo lập cơ sở vật chất. Thực tế cho thấy kinh phí bỏ ra đem lại hiệu quả thỏa đáng về cả mặt xã hội và kinh tế.

Bàn về các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tỏ ra băn khoăn về việc quản lý người nghiện tại cộng đồng. Theo Chủ tịch nước, cần cân nhắc về thời gian quản lý sau cai trước khi cho tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt đối với người sau cai nghiện chỉ nên đưa về cộng đồng những người thật sự an toàn, không có nguy cơ cao tái nghiện. Để công tác này được hiệu quả, triệt để, theo Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cần coi trọng công tác đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai.

Ý kiến nhiều đại biểu khác tại buổi thảo luận cũng khẳng định công tác thí điểm tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai tại TP HCM và một số địa phương khác đem lại hiệu quả về cả xã hội và kinh tế. Việc này góp phần vào sự phát triển và ổn định của địa phương. Các đại biểu đề nghị tới đây cần có quy định phân công chặt chẽ từ khâu quản lý ban đầu đến khâu đưa người sau cai về tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đây là vấn đề được thí điểm, chưa có tiền lệ nên có những vấn đề không lường hết được, đặc biệt là công tác dạy nghề và giải quyết việc làm chưa được như ý muốn, cần tiếp tục được rút kinh nghiệm hoàn thiện.

Đại biểu QH Nguyễn Thành Lập đề nghị Luật Phòng, chống ma túy cần luật hóa tinh thần Nghị quyết 16/2003/QH11. Đại biểu Huỳnh Thành Lập cũng đồng tình với quy định trong dự thảo luật quy định trách nhiệm của chính quyền cấp xã vào công tác này: quản lý người nghiện tại cộng đồng, hỗ trợ các gia đình trên địa bàn trong công tác cai nghiện,…. Đại biểu cũng cho rằng việc quản lý sau cai tại cộng đồng cần làm song song với quản lý tập trung đối với người có nguy cơ tái nghiện cao (tự nguyện hoặc bắt buộc).

Nhìn chung, ý kiến các đại biểu QH cơ bản đồng tình với các nội dung trong tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy do Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh trình QH. Đối với quy định trong dự thảo về việc tổ chức cai nghiện ở gia đình, cộng đồng và tại cơ sở cai nghiện, nhiều đại biểu QH cho rằng, ngoài các hình thức trên, việc cai nghiện ma túy còn có thể được thực hiện tại một số cơ sở y tế và các cơ sở của tổ chức tôn giáo nên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định về các hình thức cai nghiện này theo hướng đa dạng hóa các hình thức và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cai nghiện ma túy.

Nhiều đại biểu QH cũng thống nhất với cơ quan soạn thảo về 2 hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng với thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng và cho rằng cần đặc biệt chú trọng tới hình thức cai nghiện tại cộng đồng, vì hiện các cơ sở cai nghiện chỉ có khả năng đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu cai nghiện và trên thực tế đã có địa phương tổ chức cai nghiện tại cộng đồng đạt hiệu quả nhất định.

Theo đại biểu QH Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, việc đa dạng hóa các hình thức cai nghiện là cần thiết để phù hợp với thực tiễn của các địa bàn khác nhau trong cả nước, đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng và trách nhiệm của gia đình đối với người nghiện.

Nhiều ý kiến cũng thống nhất đề nghị thực hiện quản lý sau cai nghiện theo 2 hình thức: quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng đối với đa số những người đã chấp hành xong thời hạn cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện tập trung một thời gian đối với một bộ phận người sau cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo Luật cần phải làm rõ tiêu chí xác định đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao.

Băn khoăn về hiệu quả sử dụng vốn ngân sách

Sáng cùng ngày 10/5, QH thảo luận tại Hội trường về quyết toán ngân sách. Nhiều ý kiến đại biểu QH tỏ ra băn khoăn về tính hiệu quả của vốn ngân sách đầu tư cho một số lĩnh vực.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, năm 2006 các doanh nghiệp nhà nước đã vay 48.500 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nhưng làm ra chỉ 42.000 tỷ đồng. Như vậy, được đầu tư rất lớn, nhưng lại làm ăn thua lỗ. Đại biểu cho rằng cần nhanh chóng sắp xếp lại các doanh nghiệp này để đồng vốn ngân sách được sử dụng thật sự có hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị cần xem lại nguồn vốn vay ưu đãi dành cho 14 liên doanh sản xuất ôtô, liệu có tương xứng với sự đóng góp của họ cho nền kinh tế. Dẫn ra giá chiếc Toyota Camry 2.4 tại các nước chỉ bán 18.000-25.000 USD, nhưng giá mà liên doanh Toyota bán tại Việt Nam tới 50.000 USD. Đại biểu cho rằng, Bộ Tài chính và Công thương nên xem lại chiến lược sản xuất ôtô áp dụng 15 năm qua, sản phẩm nhiều mà giá vẫn cao.

Cũng chung mối lo về hiệu quả của đồng vốn ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung cho rằng một phần rất lớn trong các khoản chi vượt dự toán lại là dành cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Theo đại biểu thì có khoản chi không cần thiết, không đúng vì có doanh nghiệp lại đem tiền đó sử dụng vào những lĩnh vực không phải trọng tâm ngành nghề.

Đ.B.T.

Nhóm PVTS
.
.
.