Quốc hội thảo luận dự án Luật Viên chức

Thứ Tư, 27/10/2010, 10:58
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Viên chức. Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2010), nay đã được chỉnh lý, hoàn thiện, dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này.

Thảo luận về các điều, khoản của dự án, các đại biểu làm rõ khái niệm viên chức, đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức, quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, việc quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập…

Về việc thành lập hội đồng quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) khẳng định sự cần thiết và cho rằng, nếu hội đồng này được thành lập sẽ có một cơ quan quản lý để giám sát các hoạt động của đơn vị công lập.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phản biện: không nên lập thêm bộ máy nữa, vừa cồng kềnh và không hiệu quả. Cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, nên cân nhắc lại một số quy định trong dự thảo luật, như tại Điều 19 quy định viên chức không được tham gia đình công. "Chúng ta có nên tước của họ quyền đó không?" - đại biểu đề nghị.

Tài năng như GS Ngô Bảo Châu có được tuyển viên chức?

Nếu như loại ý kiến thứ nhất khẳng định không cần thiết thì nhiều ý kiến lại cho rằng, cần quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại Việt Nam với quy định cụ thể những lĩnh vực, ngành, nghề, vị trí công việc được tuyển dụng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài làm viên chức, điều kiện tuyển dụng, hợp đồng làm việc, các quyền, nghĩa vụ...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh cho rằng, không nên quy định chặt mà nên tạo điều kiện để xem xét ở những trường hợp cụ thể. Lấy ví dụ trường hợp GS Ngô Bảo Châu được mời làm Viện trưởng Viện Toán học cao cấp tại Việt Nam, đại biểu cho rằng, quy định bó hẹp như trên sẽ  ảnh hưởng đến việc thu hút những người có trình độ, đặc biệt là những người có tâm huyết như GS Ngô Bảo Châu.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trường hợp như GS Ngô Bảo Châu, nếu quy định người có 2 quốc tịch không được tuyển dụng, hoặc phải thường trú ở Việt Nam sẽ rất khó áp dụng. 

Theo lý giải của UBTV Quốc hội, hoạt động của viên chức phải gắn với đơn vị sự nghiệp công lập, do vậy không thể có viên chức làm việc thường xuyên tại Việt Nam mà lại định cư ở nước ngoài. Mặt khác, trong số công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, có không ít người vừa mang quốc tịch Việt Nam, vừa mang quốc tịch nước khác, nếu họ trở thành viên chức ở Việt Nam thì có thể phát sinh một số khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý, sử dụng...

Đại biểu Vũ Hồng Anh thảo luận tại hội trường ngày 26/10.

Trường hợp cần huy động chất xám, kinh nghiệm của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào các hoạt động chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam thì có thể sử dụng các cơ chế khác như hợp đồng hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, chuyển giao công nghệ hoặc dưới hình thức hợp đồng vụ việc... Do vậy, cần chỉnh lý lại quy định của dự thảo theo hướng người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn bởi rất nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam muốn cống hiến, phục vụ cho quê hương, cần phải có cơ chế tạo điều kiện để họ cống hiến.

Người đứng đầu đơn vị công chức có thêm quyền hạn

Liên quan quy định quyền hạn của người đứng đầu quản lý viên chức, dự luật đã quy định rõ trách nhiệm quản lý viên chức của người đứng đầu đơn vị và cơ quan quản lý viên chức theo hướng tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu sẽ có nhiều quyền hơn trong việc xác định số lượng vị trí việc làm, quyết định hầu hết các nội dung liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại đơn vị.

Ngược lại, tại các đơn vị chưa được giao quyền tự chủ hoặc tự chủ một phần thì cơ quan cấp trên chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý viên chức, cơ quan cấp trên có thể phân cấp một số quyền cho đơn vị sự nghiệp trực tiếp sử dụng viên chức như quyền tuyển dụng viên chức, ký hợp đồng làm việc, sử dụng, bố trí viên chức vào các vị trí việc làm nhất định, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. 

Kéo dài độ tuổi phục vụ trong trường hợp nào?

Đa số đại biểu không tán thành quy định kéo dài thời gian làm việc của viên chức. Viên chức nghỉ hưu nếu có trình độ chuyên môn, năng lực công tác, còn đủ sức khỏe và đơn vị sự nghiệp có nhu cầu thì có thể chuyển sang làm việc dưới hình thức hợp đồng vụ việc, khoán việc.

Theo UBTV Quốc hội, việc nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí đối với viên chức cũng như người lao động là một quyền lợi chính đáng, cần được tôn trọng và thực hiện thống nhất theo quy định tại Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp cần tiếp tục phát huy khả năng chuyên môn, kinh nghiệm công tác của viên chức đã nghỉ hưu thì sau khi đã giải quyết chế độ hưu trí, đơn vị sự nghiệp vẫn có thể thỏa thuận ký hợp đồng với người đó theo quy định của Bộ luật Lao động và Bộ luật Dân sự.

Bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm

Thảo luận dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, dự luật lần này chỉ sửa đổi một số điều. Theo Bộ trưởng, thị trường bảo hiểm phát triển quy mô chưa lớn, cần khuyến khích. Đây là dịch vụ tài chính gắn kết các lĩnh vực khác rất nhạy cảm, linh hoạt, cần tăng cường sự quản lý Nhà nước. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những sửa đổi cho phù hợp. Thời gian đầu cần khuyến khích thị trường phát triển, vốn pháp định quy định thấp, nhưng về sau các doanh nghiệp thành lập nhiều thì mức vốn này được nâng lên. Về quỹ bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm, trong luật cho phép trích quỹ rủi ro, chủ yếu bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm.

Đ.Trường - Đ.Tuấn
.
.
.