Quốc hội thảo luận dự án Luật Lý lịch tư pháp

Thứ Ba, 11/11/2008, 08:53
Trong phiên làm việc buổi sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Lý lịch tư pháp.

Chiều 10/11, với sự nhất trí cao Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách TW năm 2009. Quốc hội yêu cầu các địa phương không được để phát sinh thêm nợ xây dựng cơ bản trong năm 2009 và người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm về sử dụng ngân sách tại địa phương, đơn vị mình quản lý.

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng 10/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Lý lịch tư pháp. Nhiều ý kiến tỏ ra chưa tán thành.

Cho rằng những vấn đề đặt ra trong dự thảo luật không xứng với tầm của một đạo luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Hồ Trọng Ngũ cho rằng cần giải quyết vấn đề lý lịch tư pháp trong mối quan hệ chung là cải cách cả hệ thống tư pháp, chứ không giải quyết riêng vấn đề này trong khi toàn bộ hệ thống cả cơ quan, các thể chế pháp lý khác không thay đổi theo.

"Tôi thấy nội dung trong tờ trình đạo luật đã nêu thì dự án chỉ nên gọi là Luật về lý lịch án tích hoặc Luật về quản lý tiền án và nếu chỉ có vậy thôi thì có đáng làm một đạo luật không? Theo tôi có lẽ chưa cần thiết", đại biểu Hồ Trọng Ngũ phân tích.

Đại biểu Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng chưa thấy thật bức thiết phải ban hành đạo luật này. Theo đại biểu, việc xác định phạm vi điều chỉnh của luật này cần phải làm rõ mục đích của việc ban hành luật này, mà cụ thể là việc cấp phiếu lý lịch tư pháp quản lý vấn đề nhằm phúc đáp mục đích và yêu cầu gì?

Nếu để phúc đáp yêu cầu của người dân, phúc đáp yêu cầu của hoạt động tư pháp, phúc đáp yêu cầu quản lý xã hội nói chung... thì vấn đề không phải chỉ đơn giản là án tích, mà còn toàn bộ cả những vấn đề có liên quan, thậm chí cả những biện pháp xử lý hành chính, cả những quá trình tuy đã điều tra, kết luận điều tra nhưng vì lý do gì đó được miễn truy tố thì những việc đó đối với mục đích khác là rất cần thiết, không phải chỉ là phúc đáp yêu cầu của một số người đi lao động xuất khẩu.

Đại biểu Trần Thế Vượng băn khoăn: "Nếu chỉ có như vậy không thôi thì ban hành luật này đúng là không đạt được mong muốn. Vả lại nếu chúng ta nói rằng luật này chỉ ban hành để phúc đáp yêu cầu đó thì những vấn đề phúc đáp cho những mục đích khác tại sao lại không nâng thành luật mà vẫn tồn tại bởi những thông tư và những văn bản của Chính phủ…".

Cũng theo đại biểu này, nếu chỉ để quản lý án tích mà phải thành lập một Trung tâm quốc gia về lý lịch tư pháp và 63 tỉnh, thành lại có 63 trung tâm nữa thì cần phải hết sức cân nhắc, việc số một của nước ta hiện nay là tiết kiệm về bộ máy và biên chế, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.

Cũng đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội cho rằng, lý lịch tư pháp nói ở đây là cái mẫu nhỏ trong tất cả thông tin dữ liệu cá nhân. Do vậy, nếu xây dựng luật thì chúng ta nên xây dựng luật về thông tin, dữ liệu cá nhân trong đó lý lịch tư pháp chỉ một mẫu nhỏ và trong những trường hợp hãn hữu thì mới phải trích yếu ra.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, nhu cầu về phiếu lý lịch tư pháp những năm qua ngày càng tăng. Nếu năm 1999 mới chỉ có 6.500 trường hợp xin cấp lý lịch tư pháp, thì năm 2007 đã có gần 150.000 trường hợp, tăng gấp hơn 20 lần và năm 2008 dự kiến tăng thêm 20%.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, thực tế hiện nay người dân chỉ cần có phiếu xác minh rằng bản thân có án tích hình sự hay không? Đã được xóa án chưa? Tất cả các việc về cấp lý lịch tư pháp hôm nay trong thực tiễn chỉ yêu cầu như vậy thôi. Ý tưởng của cơ quan soạn thảo là sau này có thể cung cấp trực tuyến phiếu lý lịch tư pháp cho người dân, mà không phải đợi 3 tháng, thậm chí 6 tháng như hiện nay.

Được biết, trong phiên thảo luận ở tổ trước đó về dự án luật này, cũng có gần một nửa số ý kiến chưa tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Lý lịch tư pháp.

Phân bổ ngân sách TW năm 2009: Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu vốn ngân sách bị sử dụng sai

Theo nội dung Nghị quyết được thông qua chiều 10/11, Quốc hội quyết định tổng thu cân đối ngân sách ở TW năm 2009 là 273.141 tỉ đồng; tổng thu cân đối ngân sách địa phương là 130.859 tỉ đồng; tổng chi cân đối ngân sách là 314.544 tỉ đồng (chưa kể khoản 45.897 tỉ đồng dành chi điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2007-2008 chuyển sang). Như vậy, tổng chi cân đối ngân sách TW năm 2009 là 360.441 tỉ đồng.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Nghị quyết, các quy định về sử dụng ngân sách; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi không cần thiết...

Chính phủ cũng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát việc sử dụng vốn ngân sách trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; tập trung vốn cho các dự án, công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2009 và đầu năm 2010. Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu những địa phương còn nợ đọng vốn xây dựng cơ bản phải bố trí nguồn vốn trong dự toán của địa phương để tự trả nợ, không được để phát sinh thêm nợ mới về xây dựng cơ bản. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm về sử dụng vốn ngân sách xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. (PV)

B.Tuấn
.
.
.