Quốc hội lo ngại không đạt mục tiêu tăng trưởng

Thứ Tư, 22/05/2013, 15:05
Nghị quyết Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 khoảng 5,5%. Tuy nhiên, diễn biến bất lợi tình hình kinh tế xã hội trong và ngoài nước khiến các đại biểu Quốc hội lo ngại không đạt được mục tiêu này.
>> Đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố
>> Khai mạc kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIII: Nhất quán chủ trương tái cơ cấu đầu tư

Sáng nay (22/5), Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội các tháng đầu năm. Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) với bản lập luật khúc triết, thừa nhận việc tái cấu trúc kinh tế chưa đem lại nhiều kết quả. Ông đề nghị, phải lành mạnh hóa khu vực này, phải làm sao cho người ta thấy rằng tái cấu trúc khu vực này là thành công và nhà nước tự xử lý được. “Phải lồng ghép ngắn hạn và trung hạn để tạo thành một sự phối hợp đồng bộ để xử lý tình hình, có thể phải có những đột phá về chính sách tài khóa, tiền tệ để vực dậy nền kinh tế, nếu không sẽ rất khó” - TS Trần Du Lịch quả quyết. Theo ông, tiền tệ dư nợ tín dụng ít nhất khoảng 12%, trong khi tài khóa tăng bội chi.

Về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Trương Thị Ánh cho rằng, khó khăn ngày càng xâm nhập sâu vào nền kinh tế trong nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Khó khăn giải quyết chưa đạt kết quả như nợ xấu, diễn biến thực tế trong báo cáo chưa khả quan. Bà cho rằng, nguồn thu ngân sách mặc dù có nỗ lực lớn nhưng dự báo có nhiều khó khăn, ngay cả cơ chế chuẩn bị nguồn để nâng lương cũng khó khăn. Nguyên vật liệu trong nông nghiệp phần lớn bị lệ thuộc, thức ăn chăn nuôi, giá lúa không ổn định, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Bà đề nghị nên có đánh giá chương trình xây dựng nông thôn mới và có những giải pháp mạnh mẽ hơn...

Đại biểu Hà Nội thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thì cho rằng, có những vấn đề kéo dài không chỉ 1 năm, 2 năm là giải quyết được mà phải nhiều năm, trong khi các giải pháp đưa ra cứ lập đi lập lại, loay hoay không gỡ nổi. Bà cho rằng, trách nhiệm cụ thể thế nào phải được làm rõ, phải có địa chỉ cụ thể chịu trách nhiệm thì 6 nhóm giải pháp mới đạt yêu cầu. “Cứ theo nếp báo cáo này tôi thấy không ổn. Phải có nguyên nhân mới bàn giải pháp được, câu chữ không thiếu chỗ nào nhưng không đi vào thực tiễn” - bà gay gắt.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ, trong điều kiện kinh tế khó khăn, doanh nghiệp trong nước thua ngay trên sân nhà. “Nói thì đơn giản như vậy nhưng thấy xót xa. Chính sách do mình đưa ra, chủ trương do mình đưa ra. Vậy vì sao doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, nó kéo dài nhiều năm như vậy phải ngồi lại tính toán xem thế nào...

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện lo ngại, trong nhiều năm nền kinh tế tăng trưởng theo mô hình lệ thuộc vào vốn, hiệu quả đầu tư thấp, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, vậy mức tăng GDP sẽ thế nào. Đây là tốc độ phát triển thấp nhất trong hơn chục năm nay. Ông nói, việc nợ xấu tăng kéo theo nền kinh tế chịu rủi ro cao, tồn dư bất động sản lớn, 20.000 căn hộ chung cư không “tiêu hóa” được, cùng khối lượng biệt thự, nhà vườn, đất dự án..., chôn vùi số vốn rất lớn bao giờ mới giải quyết? Số doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động 2011, 2012, 2013 vẫn tiếp tục tăng lên. Doanh nghiệp hấp thụ vốn và dựa trên vốn để phát triển nhưng lạm phát cao thì xiết lại tài khóa, tiền tệ giảm được lạm phát nhưng trả giá rất đắt là hàng loạt doanh nghiệp đã giải thể...

Đồng tình quan điểm, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, một số bộ ngành ban hành văn bản không chỉ thiếu tính khả thi mà có tính ngẫu hứng, khi sai rồi loay hoay sửa đổi, bổ sung. Trách nhiệm đó rất lớn chứ không phải đơn giản. Bà cũng lo ngại, người dân đặc biệt quan tâm là vấn đề việc làm, thu nhập, học hành, tai nạn, tội phạm, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt nổi lên là vấn đề tham nhũng. “Mỗi lần báo cáo cử tri rằng tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, tiếp xúc cử tri thấy nhức nhối quá, nói kiểu gì cũng xấu hổ vì có một câu mà lặp đi lặp lại quá nhiều lần” - bà Dung trăn trở. Bà cũng đề nghị, trách nhiệm công vụ, nhân dân bức xúc. Phải làm cho đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thực sự trách nhiệm, thực sự là công bộc của dân chứ không thể nói không đi đôi với làm...

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về ngân sách.

Cần kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) thừa nhận, đang xuất hiện những thời cơ và những điểm nhấn có thể tháo gỡ. Ông cho rằng, cần kiên trì tiếp tục kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô như Chính phủ đã đề ra. Đến nay đã có tăng trưởng hợp lý, nếu giữ được vấn đề này sẽ là yếu tố để chúng ta tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác. Thứ hai, trong tất cả chuyển biến có yếu tố khác với năm trước mang tính thực hiện đúng với định hướng là đi vào chiều sâu, ổn định, kể cả trong tư trưởng lãi suất tỷ giá, điều chỉnh thuế, điều chỉnh thị trường, vốn, ngoại hối đều theo xu hướng hướng tới nguyên tắc thị trường khai thông tính sáng tạo tự chủ. Chẳng hạn, giảm được lãi suất, giữ tỷ giá ổn định, tăng dự trữ ngoại tệ...

PVTS
.
.
.