Quốc hội giám sát việc sử dụng vốn Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này vừa được gửi tới từng đại biểu Quốc hội, thì việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ, TCT có nhiều vấn đề đáng lo ngại…
Giữ vững vai trò chủ đạo, nhưng vẫn còn nhiều bất cập
Thống kê của Đoàn giám sát cho biết, tổng nguồn vốn của 90 TĐ, TCTNN đến 31/12/2008 là 1 triệu 241 nghìn tỉ đồng. Với quy mô về vốn, tài sản, vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế nhà nước, hoạt động của TĐ, TCTNN luôn song hành cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.
Chỉ riêng năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước với vai trò chủ đạo là các TĐ, TCTNN đã đóng góp 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu… Theo đánh giá của Đoàn giám sát thì nhiều TĐ, TCTNN đóng vai trò là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về giải quyết công ăn, việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... Quy mô vốn chủ sở hữu của hầu hết các TĐ, TCTNN được bảo toàn và không ngừng tăng trong những năm qua.
Tuy nhiên, nổi bật không kém là những tồn tại, hạn chế đáng lo ngại trong hoạt động của các TĐ, TCTNN. Về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo Đoàn giám sát, có tới 45,05% các TĐ, TCTNN hoạt động hiệu quả thấp (tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%)... Tính đến hết năm 2008, nhiều đơn vị có tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, thậm chí nợ trên vốn của một số đơn vị ở mức trên 10 lần…
Đầu tư ngoài ngành chuệch choạc
Những năm qua, nhiều TĐ, TCTNN đầu tư lượng vốn rất lớn vào những lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh chính... Tuy nhiên, theo nhận định chung thì hiệu suất đầu tư (lợi nhuận trên vốn đầu tư) tính chung là rất thấp, thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này.
Theo kết quả giám sát thì nhiều Tập đoàn chạy đua đầu tư ra ngoài ngành, vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán, trong khi đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển các dự án quan trọng của Nhà nước. Nhìn chung, theo Đoàn giám sát, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại TĐ, TCTNN trên thực tế còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn; hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp còn nhiều hạn chế...
Bên cạnh đó, mô hình tổ chức của TĐ, TCTNN còn nhiều bất cập; quản trị doanh nghiệp còn hạn chế cần được rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời siết chặt giám sát để bảo toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ, TCTNN. Nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể hôm nay 9/11 và được truyền hình, phát thanh trực tiếp