Quốc hội đề nghị tính toán 'độ nhạy' dự án sân bay Long Thành

Thứ Sáu, 05/06/2015, 00:29
Sáng 4/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án gây nhiều tranh cãi thời gian qua: đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 15 ý kiến tham gia thảo luận đều biểu thị sự đồng tình thông qua chủ trương đầu tư dự án, nhưng vẫn đề nghị Chính phủ phải có lộ trình hợp lý, minh bạch trong quá trình triển khai và Quốc hội phải giám sát thường xuyên đối với dự án này.
>>Nhiều ý kiến trái chiều về dự án sân bay Long Thành
>>Không có chuyện phối cảnh sân bay Long Thành ‘đạo’ sân bay Hong Kong

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải được đặt ở tầm nhìn lâu dài. Trong khi các phương án nâng cấp, mở rộng sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất vừa khó khả thi, vừa gây tốn kém và chỉ là tầm nhìn ngắn hạn thì “cần xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành càng sớm càng tốt” vì “chúng ta sẽ phải trả giá theo cấp số nhân nếu chúng ta làm chậm”.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ trong những bước đi tiếp theo cần đẩy mạnh hơn nữa việc minh bạch hóa, thu hút được tiếng nói ý kiến của người dân và phải tìm được những tiếng nói về chuyên môn xác đáng và đủ sức thuyết phục để mọi người yên lòng.

Đồng tình với việc thông qua chủ trương đầu tư dự án, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khẳng định việc làm này là cần thiết để giải quyết gánh nặng cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ ngành Hàng không, cũng như để nước ta sớm có một cảng hàng không hiện đại, ngang tầm với quốc tế và thế giới.

Dự án sân bay Long Thành.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, để tiếp tục hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu về mô hình đầu tư dự án theo hướng nên đưa ra một số phương án huy động vốn trên cơ sở phân tích sâu ưu, nhược điểm của từng phương án để các vị đại biểu cho ý kiến. Đồng thời, phải tính toán tới yếu tố trượt giá hằng năm cho từng phân kỳ đầu tư để đưa ra góc nhìn khái quát nhất về tổng mức vốn phải đầu tư.

Nhấn mạnh “lãng phí là có tội với dân”, đại biểu lưu ý Chính phủ cần xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình triển khai xây dựng dự án bảo đảm tiết kiệm. “Chúng ta phải làm sao để cử tri tin tưởng và thấy được chúng ta vay về để sử dụng đầu tư là có hiệu quả” - ông Vinh nói.

Còn đại biểu Trần Văn (Cà Mau) thì yêu cầu Quốc hội phải thường xuyên cập nhật tình hình thực hiện dự án để thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Để hoàn thiện hồ sơ dự án, đảm bảo hiệu quả của dự án, đại biểu Trần Văn mong ngành Hàng không tiếp tục lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và người dân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) khẳng định nợ công chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi phân tích về tác động của dự án. Ông Ngân cho biết, về số tuyệt đối, theo dự kiến ngân sách sẽ tham gia khoảng 12.149 tỷ đồng, chia làm 3 năm, là mức ngân sách có thể kham nổi. Tuy nhiên, nếu tính nợ công thì phải nói số tương đối, nghĩa là tính theo tỷ lệ % trên GDP.

“Theo báo cáo tiền khả thi của Ban soạn thảo thì chỉ số tỷ suất sinh lợi nội hoàn lên đến 24,5%, trong khi mức bình quân xã hội hiện nay chỉ có 10-12%, liệu con số này có đánh bóng hay không? Nó quá cao!” – đại biểu phân vân và đề nghị “Khi làm báo cáo nghiên cứu khả thi, Ban soạn thảo cần tính thêm chi tiết và độ nhạy của dự án. Trong này chưa tính độ nhạy của dự án, cũng như chưa lường hết những biến động về kinh tế, chính trị, thế giới hiện nay”.

Đã chốt danh sách Bộ trưởng trả lời chất vấn

Ngày 4/6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn từ ngày 11 - 13/6, gồm: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, một số Bộ trưởng liên quan giải trình làm rõ những vấn đề cùng 4 Bộ trưởng trên. Việc lựa chọn 4 Bộ trưởng căn cứ theo phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu từ cao xuống thấp.

Lựa chọn này cũng dựa theo nguyên tắc phải đảm bảo hài hòa giữa kinh tế - xã hội, trong nhóm này có 3 Bộ trưởng thuộc lĩnh vực kinh tế, còn Bộ trưởng thuộc lĩnh vực xã hội được đại biểu lựa chọn là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trả lời câu hỏi vì sao có một số Bộ trưởng chưa lần nào đăng đàn như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, nhưng có nhưng Bộ trưởng đăng đàn liên tục như Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Một nguyên tắc rất quan trọng, phải có đại biểu gửi câu hỏi chất vấn thì mới đưa Bộ trưởng ra trả lời chất vấn. Vừa qua Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ngoại giao hay Bộ Xây dựng đều có những vấn đề hay nhưng không nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu. 

Vũ Hân - Quỳnh Vinh
.
.
.