Quốc hội bắt đầu chất vấn, trả lời chất vấn: Giám sát việc thực hiện lời hứa

Thứ Ba, 19/11/2013, 00:10
Theo kế hoạch, sáng nay 19/11, Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp nêu trên. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ trực tiếp trả lời chất vấn...

Bắt đầu từ hôm nay (19/11), Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng, bình quân mỗi vị có một buổi để trả lời trực tiếp tại hội trường. Một điểm mới lần đầu được áp dụng: Quốc hội nghe và cho ý kiến việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng tại kỳ trả lời chất vấn trước đó.

Việc các “tư lệnh ngành” nhận trách nhiệm và cam kết giải quyết các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình trả lời chất vấn được gọi vắn tắt là thực hiện lời hứa. Những kỳ họp gần đây, nhằm tạo cơ sở pháp lý ràng buộc trách nhiệm thực hiện lời hứa, sau các phiên chất vấn, Quốc hội đã ra nghị quyết nêu rõ từng nội dung, nhiệm vụ với mỗi Bộ trưởng, trưởng ngành. Tới kỳ họp sau, căn cứ nghị quyết của Quốc hội, các “tư lệnh ngành” có báo cáo gửi Quốc hội, trong đó nêu rõ đã thực hiện đến đâu, kết quả ra sao, còn điểm gì chưa được giải quyết, nguyên nhân vì sao và khả năng thực hiện tiếp theo.

Cách làm này đã phát huy hiệu quả khi nhiều vấn đề bức xúc do cử tri, đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn đã được các Bộ trưởng, trưởng ngành chỉ đạo giải quyết, tránh chuyện hứa rồi để đấy, hứa cho có hoặc chỉ làm chiếu lệ. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi còn nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội sau khi đọc báo cáo thực hiện lời hứa vẫn muốn hỏi thêm, đề nghị giải trình thêm, trong khi thời gian chất vấn tại hội trường không có nhiều để trình bày. Để lấp “lỗ hổng” này, UBTV Quốc hội đã đưa vào lịch trình nội dung nghe báo cáo việc thực hiện lời hứa và dành hẳn một buổi để thảo luận tại hội trường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Trao đổi bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu tán thành với cách làm mới này, cho rằng, việc Quốc hội mỗi kỳ dành 2,5 ngày chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành thì cần có thời gian để cùng xem xét, đánh giá lại kết quả thực hiện nội dung chất vấn đến đâu. Một buổi thảo luận là cần, nếu điều kiện cho phép có thể mở rộng cả ngày, bởi kết quả chất vấn không chỉ liên quan một Bộ trưởng mà ít nhất có từ 4-5 Bộ trưởng, chưa kể nhiều lĩnh vực đa ngành.

Về cách thức chất vấn, kỳ này vẫn tiếp tục phát huy tính đối thoại tại nghị trường. Việc đọc văn bản hết sức ngắn gọn, thậm chí không cần trình bày văn bản mà hỏi đáp ngay. Mỗi đại biểu có nhiều nhất 3 phút để hỏi cho mỗi lượt, câu trả lời phải đi thẳng vào nội dung. Thực tế, việc người trả lời sa vào kể lể dài dòng, có xu hướng lồng ghép cả báo cáo thành tích vào phần trả lời khiến không khí chất vấn tẻ nhạt.

Cách hỏi và đáp hiện nay đang thực hiện theo hướng gộp dăm, bảy câu hỏi lại rồi Bộ trưởng trả lời lần lượt từng người, tiếp đó ai chưa hài lòng thì chất vấn thêm. Cách làm này có ưu điểm là nhiều đại biểu cùng được hỏi và Bộ trưởng có thời gian để tổng hợp, gộp các chất vấn cùng chủ đề, trả lời liền mạch. Tuy nhiên, hạn chế là do quá nhiều câu hỏi khiến phần trả lời cũng dài, có khi kéo lê thê từ ý này sang ý khác tới cả giờ đồng hồ. Với những vị Bộ trưởng trả lời đều đều, thiếu điểm nhấn, không khí chất vấn vì thế cũng trầm lắng, thậm chí nhạt.

Nhiều ý kiến đề nghị nên tăng thời lượng hỏi thẳng, đáp ngay. Mỗi đại biểu có thể chất vấn liên tục, hỏi lại một vài lần cho đến khi vấn đề được giải đáp rõ. Cách làm này thực sự tăng nhiệt, tức “truy đến cùng”, làm không khí sôi động hơn hẳn. Tuy nhiên, nó chỉ thích hợp với những “tư lệnh” nắm chắc vấn đề, có khả năng diễn thuyết, đối đáp sắc sảo. Ngược lại, những vị chưa có kinh nghiệm hoặc trạng thái tâm lý không tốt dễ lúng túng, trả lời chệch ý hoặc vòng vo không rõ nội dung. Những kỳ trước, nhiều Bộ trưởng đã thực sự được cử tri cảm tín nhờ khả năng đăng đàn giàu sức thuyết phục của mình, ngược lại, cũng có người “mất điểm” trước diễn đàn nóng. 

Theo kế hoạch, sáng 19/11, Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp nêu trên. Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ trực tiếp trả lời chất vấn tập trung vào một số nhóm vấn đề như: Việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chú trọng đến việc chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp, chuyển đổi giống cây trồng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo, tạm trữ cà phê...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình là thành viên Chính phủ thứ 2 trả lời chất vấn trong buổi sáng 20/11, với nội dung gồm: giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm...

Chiều 20/11, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề: trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với báo chí nói chung và báo mạng nói riêng trước tình hình an ninh văn hóa diễn biến phức tạp; giải pháp quản lý những trang thông tin điện tử, ngăn chặn tác hại và chấn chỉnh những vi phạm trong việc kinh doanh trò chơi trực tuyến...

Sáng thứ năm, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình sẽ trả lời chất vấn về trách nhiệm của TAND tối cao trong hướng dẫn tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử, giám đốc việc xét xử của tòa án các cấp; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Giải pháp để nâng cao chất lượng ngành Tòa án, tránh để xảy ra oan sai, lọt tội phạm. Chánh án sẽ nhận được sự “trợ giúp” của Bộ Tư pháp, Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng thanh tra Chính phủ.

Chiều 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hỏi và trả lời trực tiếp nên có thể tạo ra những hiệu ứng bất ngờ cho cả hai bên và cả người theo dõi dưới sự theo dõi của hàng triệu cử tri. Điều đó tác động rất lớn tới mức độ tín nhiệm của cử tri đối với cả đại biểu Quốc hội (người hỏi) và các Bộ trưởng (người trả lời)

Minh Đăng
.
.
.